Đi đâu mà vội mà vàng?
Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 4 với chủ đề “Tốc độ” do Liên hợp quốc phát động từ ngày 8-14/5/2017. Điều đáng nói Tuần lễ này được triển khai chỉ một ngày sau vụ tai nạn thảm khốc trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai khiến 13 người tử vong (trong đó có 1 người của tỉnh Kon Tum) và 32 người bị thương.
Nguyên nhân của vụ tai nạn theo cơ quan chức năng xác định là do tài xế xe tải chạy quá tốc độ (105km/h), lấn làn, khiến va chạm mạnh, thương vong cao đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vi phạm tốc độ khi tham gia giao thông.
Đúng như cha ông ta xưa có câu “Đi đâu mà vội mà vàng/Mà vấp phải đá mà quàng phải dây”. Chỉ vì một phút nông nổi, một giây bất cẩn, một tích tắc chủ quan, một quyết định sai lầm, hàng chục người chết, bị thương và không ít trong số đó trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Đáng nói hơn nữa là hậu quả của vụ tai nạn thảm khốc này có lẽ không dừng lại ở con số người chết, người bị thương nằm la liệt mà đằng sau đó còn là bao gia đình, bao cảnh ngộ đớn đau đến cùng cực.
Có người khi chứng kiến những vụ tai nạn liên tục xảy ra đã cực đoan mà cho rằng, có công có việc thì mới ra đường, còn không cứ ở nhà cho lành; rồi, có ra đường cũng đừng nghễu nghện chất cả nhà lên một chiếc xe hay đi trên cùng một chuyến xe, nhỡ ra gặp chuyện còn người ở lại để mà lo toan cho gia đình…
Suy nghĩ tưởng chừng như cực đoan ấy không phải không có lý. Vì cho dù mình có đi đứng từ tốn, đúng phần đường, đúng Luật Giao thông đường bộ… nhưng tai bay vạ gió, gặp mấy tay lái mê tốc độ cao, lạng lách, đánh võng tông vào mình thì sao?
Thực tế cho thấy, với quá trình cơ giới hóa phương tiện giao thông, sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông vận tải cộng với sự thiếu ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến vi phạm quy định về tốc độ đang có xu hướng gia tăng.
Trung bình ở nước ta cứ 10 vụ tai nạn giao thông thì có 1 vụ do người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ. Còn nhớ, theo kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 11/2015, thì Kon Tum là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có số lần vi phạm tốc độ nhiều nhất (tính trên 1.000km). Và theo thống kê, trong năm 2016, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã phát hiện, xử lý gần 2.250 trường hợp và trong quý I/2017 cũng phát hiện, xử phạt gần 90 trường hợp vi phạm chạy quá tốc độ quy định.
Ngăn ngừa những tay lái mê tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, thiếu ý thức khi tham gia giao thông ấy…, không chỉ trong Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ, Tháng An toàn giao thông hay các chuyên đề xử lý tốc độ… mà trải đều thường xuyên, liên tục qua các năm, lực lượng Cảnh sát Giao thông trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ quy định tốc độ và khoảng cách an toàn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, không ít người khi bị phát hiện, xử phạt vi phạm lỗi tốc độ đã đưa ra đủ 1001 lý do: nào là có việc gấp, nào là vô tình không để ý, nào là nghĩ đường vắng người, nào là bị sức ép thời gian của chủ xe, nào là tưởng không có lực lượng Cảnh sát Giao thông tuần tra… Nhưng, tất cả cũng chỉ là biện minh. Vì trong số đó, không ít người sẵn sàng dành hàng giờ để nói chuyện phiếm, hay bỏ ra cả buổi để đi mua sắm, la cà hàng quán… nhưng lại không muốn dừng lại một phút để chấp hành tín hiệu đèn giao thông; không muốn đi chậm lại một chút theo đúng quy định. Vậy là, mạnh ai nấy đi, mạnh ai nấy chạy…
Nhưng, vi phạm quy định về tốc độ - nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông - không phải là bất di bất dịch mà mỗi chúng ta đều có thể góp phần thay đổi, ngăn ngừa được. Mỗi người chỉ cần tuân thủ quy định về tốc độ, di chuyển với tốc độ thấp hơn; chỉ cần giảm 5% tốc độ xe chạy trung bình thì có thể giảm 30% số vụ tai nạn chết người. Mỗi người đừng vì “nhanh một phút” mà “chậm cả cuộc đời” của chính mình và những người xung quanh. Mỗi người cũng đừng quá nôn nóng, hấp tấp “đi đâu mà vội mà vàng” để rồi “xôi hỏng bỏng không”, phải chịu cảnh “mà vấp phải đá, mà quàng phải… xe”!
Bình Toàn