Để có một thành phố Kon Tum hôm nay
Ngày 10/4/2009, thị xã Kon Tum được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Kon Tum. Và để có được một thành phố Kon Tum - đô thị loại II bề thế như hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn thành phố đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua những khó khăn thách thức để phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Kon Tum chỉ là một thị xã nhỏ bé ở Bắc Tây Nguyên, trực thuộc tỉnh Gia Lai- Kon Tum, kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu. Bấy giờ, người dân ở thị xã Kon Tum chủ yếu sống bằng nghề nông (trồng trọt và chăn nuôi), sản xuất, kinh doanh, mua bán nhỏ lẻ… Đời sống của đa số người dân, nhất là người DTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Kinh tế khó khăn, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho thị xã Kon Tum còn rất ít, ngoài một số con đường giao thông chính được trải nhựa, còn lại chỉ là những con đường cấp phối, đường đất bụi trắng bạc.
Năm 1991, tỉnh Kon Tum được chia tách ra từ Gia Lai- Kon Tum, đây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, bởi thị xã Kon Tum trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Và cũng kể từ đây, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng các ban, ngành trong tỉnh, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc ở thị xã Kon Tum cùng chung tay, đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương, tạo ra những bước tiến quan trọng, một đô thị giàu tiềm năng, có sự tăng trưởng nhanh, đồng bộ trên các lĩnh vực. Từ một thị xã nghèo, thị xã Kon Tum đã từng bước vươn lên khá giả, làm nền tảng vững chắc để quê hương “làng hồ” năm xưa trở thành một đô thị phát triển, năng động bên dòng Đăk Bla thơ mộng.
|
Minh chứng cho sự bứt phá đó là vào ngày 10/4/2009, thị xã Kon Tum được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Kon Tum theo Nghị định số 15-NĐ/CP. Đây là niềm vinh dự và tự hào cho Đảng bộ, chính quyền và toàn thể các dân tộc anh em thành phố. Đây cũng là nguồn động viên hết sức to lớn đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố cùng quyết tâm, đồng tâm hiệp lực xây dựng, phát triển thành phố Kon Tum đàng hoàng, to đẹp hơn.
Tiếp tục phát huy thành tích đạt được, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền thành phố Kon Tum tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Đồng thời xác định kinh tế là trung tâm, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới xây dựng nền tảng chính quyền điện tử, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, tận dụng các tiềm năng và lợi thế sẵn có trong các lĩnh vực ưu tiên như ngân hàng, viễn thông, dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao, du lịch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi liên kết, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc tại chỗ để phát triển mạnh.
Tính đến cuối năm 2022, tăng trưởng kinh tế của thành phố Kon Tum đạt 11,95%, đạt kế hoạch đề ra (10%); tổng giá trị sản xuất đạt 51.405 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 58,4 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch. Tăng trưởng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại với tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành chiếm trên 82%. Tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt trên 13%; cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 2%.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị cũng được Đảng bộ và chính quyền thành phố Kon Tum hết sức quan tâm. Những dự án giao thông đô thị, cơ sở hạ tầng, khu dân cư chất lượng cao ngày càng mọc lên sầm uất bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa, với tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố đạt trên 96%; các đường phố chính được chiếu sáng 100%; tỷ lệ khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng đạt gần 70%; trên 99% hộ dân được cấp nước sạch đã thật sự hấp dẫn du khách khi đến thành phố Kon Tum. Đây cũng chính là những tín hiệu đáng mừng để đô thị Kon Tum chuẩn bị bước vào một thời kỳ mới đầy triển vọng của một thành phố hiện đại, thông minh và năng động trong tương lai.
Kinh tế tăng trưởng toàn diện cũng là động lực thúc đẩy nhu cầu cho đời sống văn hóa tinh thần như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng phải được nâng lên. Theo đó, hệ thống trường học ở thành phố từ bậc mầm non đến bậc trung học ngày càng được hoàn thiện và chuẩn hóa, trường ra trường, lớp ra lớp, chất lượng giáo dục ở các bậc học ngày càng không ngừng được nâng lên. Hệ thống cơ sở y tế ngày càng được nâng cấp, chất lượng cao theo hướng dịch vụ; các trạm y tế các xã, phường đều đã được đầu tư đồng bộ, chuẩn hóa, đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản, có năng lực trình độ chuyên môn và kinh nghiệm… đảm bảo được nhu cầu phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Và với những nỗ lực đó, ngày 10/1/2023, thành phố Kon Tum được Chính phủ công nhận đô thị loại II. Đây là bước ngoặt quan trọng để thành phố Kon Tum có thêm cơ hội thu hút mạnh đầu tư vào các dự án quan trọng mang tầm chiến lược để xứng tầm là một đô thị trẻ, thông minh, năng động, thật sự trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Dương Đức Nhuận