Đánh thức "vương quốc" dược liệu
Hội nghị Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác do UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã nhận được sự quan tâm, tham gia của các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là tín hiệu vui cho thấy Kon Tum đang đứng trước cơ hội "đánh thức" ngành kinh tế có giá trị cao này...
1. Theo đánh giá của Bộ Y tế, Kon Tum có tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế dược liệu. Nổi bật nhất, đặc hữu nhất là sâm Ngọc Linh, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm quốc gia; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm củ ở 16 xã thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm; sinh trưởng và phát triển tốt ở 16 xã xung quanh đỉnh núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, dưới tán rừng tự nhiên có độ che phủ tối thiểu 70% và có độ cao từ 1.200m đến 2.500m.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn có nhiều loài cây dược liệu quý khác; theo số liệu thống kê, hiện có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 25 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao, như đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử... Đặc biệt có một số cây thuốc mang tính đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như prác, tà liền chuông, gừng lúa…
Đến nay, tỉnh đã thu hút được 17 dự án đầu tư phát triển dược liệu với tổng vốn đầu tư 11.229 tỷ đồng trên quy mô 7.800ha, trong đó có hơn 500ha sâm Ngọc Linh. Một số dự án chiến lược của các nhà đầu tư lớn đang được triển khai, kỳ vọng sẽ đưa các sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu
Với kết quả nghiên cứu dày công và kỹ lưỡng của các nhà khoa học và sức hấp dẫn như trên, chúng ta có thể khẳng định Kon Tum không chỉ có sâm Ngọc Linh là đặc hữu mà núi rừng Kon Tum còn có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm.
Không nghi ngờ gì nữa, Kon Tum đúng là "vương quốc" của loài cây dược liệu quý hiếm, đặc hữu. Lời khen ngợi chân thành của ông Choi Sung Yong (Hàn Quốc) làm tôi sướng rơn...
Vậy gọi Kon Tum là "vương quốc" của dược liệu cũng không phải là khoa trương. Đất Kon Tum, Người Kon Tum tự hào về điều đó.
2. Nhưng vấn đề đang làm các nhà quản lý trăn trở là, "vương quốc" ấy vẫn chưa được “đánh thức”. Hay nói đúng hơn, dược liệu vẫn chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, trở thành mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội như kỳ vọng.
Được xác định là sản phẩm quốc gia, và được công nhận vùng chỉ dẫn địa lý đặc trưng đối với sâm củ Ngọc Linh, nhưng việc bảo tồn và phát triển loài sâm quý này vẫn ở quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Dù rằng muốn trồng Sâm Ngọc Linh đòi hỏi yêu cầu cao về lao động, vốn, khoa học kỹ thuật, thì việc thiếu những cơ chế chính sách riêng về hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước cho việc thu hút đầu tư và phát triển cây sâm Ngọc Linh cũng là nguyên nhân chính.
Các loại dược liệu khác cũng đang bị khai thác thiếu kiểm soát, không khoa học. Việc sử dụng dược liệu theo kinh nghiệm truyền miệng, mua bán dược liệu tự phát, bán đại trà cho thương lái ngoài tỉnh, việc thu hái không đúng thời vụ, sử dụng không đúng bộ phận dùng... dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả.
Trong báo cáo trình bày tại Hội nghị Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác, UBND tỉnh Kon Tum nhận định thẳng thắn rằng: Hiện nay, việc thu hái, mua bán dược liệu tăng mạnh nhưng thiếu sự kiểm soát của các cơ quan quản lý; nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng cây thuốc quý, như vàng đắng, sa nhân tím, đảng sâm, ngũ vị tử,… là không tránh khỏi.
3. Một trong những điểm nhấn quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác là Triển lãm sâm Ngọc Linh và dược liệu khác.
Thích thú và bất ngờ là cảm giác chung của rất nhiều người đến với triển lãm.
Thích thú vì lần đầu tiên được ngắm sâm Ngọc Linh "tươi roi rói dưới tán rừng", tự tay sờ vào hoa sâm, lá sâm và cả lớp mùn, tán mục dưới đất.
Bất ngờ vì được nhìn tận mắt, sờ tận tay các loại dược liệu quý khác, như sa nhân, sâm dây, nấm linh chi, sơn tra, đương quy, nấm ngọc cẩu, ngũ vị tử, vàng đắng, thất diệp nhất chi hoa…
"Thì ra Kon Tum nhiều loài dược liệu thế cơ à! Toàn đồ quý, đồ tốt cả, thế mà lâu nay mình không biết đấy". Không ít người đã thốt lên như vậy.
Dù nghề nghiệp cho tôi nhiều cơ hội được tiếp xúc với sâm Ngọc Linh, với các loài dược liệu quý, nhưng đây cũng lần đầu tiên tôi được tiếp xúc cùng một lúc với nhiều loài cây dược liệu như vậy, tiếp xúc với hình hài thật của chúng chứ không phải trong... tiệm thuốc Nam.
Nhưng rồi, dạo, ngắm, khen, xuýt xoa mãi cũng... mệt. Tôi nhận ra rằng, nguồn dược liệu phong phú thật đấy, nhưng sản phẩm từ dược liệu thì nghèo nàn quá. Hầu hết là dược liệu thô; đảng sâm, ngũ vị tử, đinh lăng... vẫn chỉ phơi khô hoặc ngâm rượu; rất ít sản phẩm tinh chế từ nguồn dược liệu của núi rừng Kon Tum được bày bán như một niềm tự hào của mảnh đất nơi tôi sinh sống và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng thu thập cho người dân.
Đơn cử, việc tiêu thụ sâm Ngọc Linh dưới dạng sâm củ sẽ không tạo ra được giá trị gia tăng cao cho ngành dược liệu và khó có thể đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế mang thương hiệu quốc gia. Hãy thử so sánh, với nhân sâm, người Hàn Quốc bán khô, bán tươi và hàng chục sản phẩm, như kẹo nhân sâm, sữa rửa mặt nhân sâm, cao nhân sâm, nước tăng lực nhân sâm... bán khắp thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, về nguồn tài nguyên dược liệu, chúng ta không hề thua kém, nếu không muốn nói là có lợi thế so sánh hơn nhiều nước. Nhưng chúng ta tụt hậu về nghiên cứu sản phẩm và đầu tư công nghệ chế biến. Tưởng tượng xem, nếu có thể "đại chúng" các chiết xuất từ sâm Ngọc Linh, biến chúng thành thuốc cổ truyền thì giá trị kinh tế sẽ như thế nào, hẳn rằng sẽ hơn hẳn bán sâm củ.
Đã đến lúc tỉnh cần có hệ thống chủ trương, chính sách phát triển dược liệu bền vững một cách tổng thể, khoa học với “tầm nhìn chiến lược dài hơi”; trong đó tập trung vào khâu làm tăng giá trị của dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, từ phát triển sản xuất lớn, đầu tư khoa học kỹ thuật trong toàn bộ các khâu (trồng trọt, thu hái, chế biến, bảo quản, cung ứng, phân phối) đến đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm từ dược liệu, như các loại thực phẩm tươi phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày đến các sản phẩm là chế phẩm đông dược, các sản phẩm làm mỹ phẩm để chăm sóc sắc đẹp.
Điều đáng mừng là, tại hội nghị lần này, nhiều bộ ngành Trung ương, nhà khoa học, doanh nghiệp đã thông tin sẽ có những giải pháp về chính sách, vốn, đầu tư nghiên cứu khoa học bài bản và quy mô cũng như triển khai những dự án đầu tư phát triển dược liệu lớn...
Và như vậy, "vương quốc" dược liệu sẽ được đánh thức!
Chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào điều đó!
Thành Hưng