Cuối năm, lại nói về “bệnh thành tích”
Khi nào cũng vậy, cuối năm - thời điểm các cấp, các ngành hối hả tổng kết năm cũ và chuẩn bị bước sang năm mới, thì chuyện thành tích, chuyện bình bầu xếp loại, thi đua khen thưởng, phong tặng các loại danh hiệu… bao giờ cũng trở nên rôm rả.
Cũng phải, sau một năm làm lụng vất vả, chẳng có thời điểm nào thích hợp hơn là vào dịp cuối năm để mọi người cùng nhau ngồi lại, nhìn lại, đánh giá lại những kết quả đạt được, những mặt được, chưa được để có hướng phấn đấu cho chặng đường sắp tới.
Từng cá nhân cả năm nỗ lực, cả tập thể cả năm nỗ lực, cuối năm được ghi nhận, được khen thưởng ai ai cũng cảm thấy vui, có thêm động lực để phấn đấu, để năm sau, năm sau nữa tiến bộ hơn. Không chỉ vậy, tuyên dương, khen thưởng còn tạo sức lan tỏa, khi cá nhân này, tập thể kia tiêu biểu, được khen thưởng kịp thời còn có tác dụng giáo dục, là tấm gương để những cá nhân, tập thể khác noi theo, làm theo…
Nói như vậy để thấy, thành tích, khen thưởng lúc nào cũng đáng quý đáng khen. Vấn đề chỉ đáng lo, đáng ngại khi thành tích trở thành “bệnh”. Bệnh này vốn được nhắc nhiều trong ngành Giáo dục cả chục năm nay. Vì căn bệnh thành tích này, để tung hô nhau và để tất cả cùng vui, trường nọ nhìn trường kia để có những con số đẹp. Tỷ lệ học sinh giỏi áp đảo trong một trường, một lớp; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm sau cứ phải cao hơn năm trước, địa phương này hơn hẳn địa phương kia… như là một tiêu chí để so sánh chất lượng dạy học.
Nhưng mà, nào đâu mỗi ngành Giáo dục. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ 1 trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống: “Mắc “bệnh thành tích”; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu””.
Còn nhớ, tại Hội nghị tổng kết về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến: Tỷ lệ gia đình văn hóa, cơ quan đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa tăng cao, nhưng trong thực tế có rất nhiều vấn đề khiến cả xã hội trăn trở.
Trăn trở cũng phải. Nơi này, tỷ lệ gia đình văn hóa cao nhưng vẫn còn đó những câu chuyện buồn: nạn tảo hôn, sinh nhiều con, bạo lực gia đình và cả những con người ngày ngày chìm trong “ma men” bia rượu… Nơi kia, dù địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nhưng sau lũy tre làng, người dân vẫn vứt xả rác, chất thải vô tội vạ, những công ty, doanh nghiệp xả thải, gây mùi hôi ảnh hưởng môi trường khu vực nông thôn… Nơi nọ, học sinh giỏi nhiều thế, điểm cao là thế nhưng có những phép tính căn bản lại chẳng thể hoàn thành…
Và dù không phải đánh đồng tất cả nhưng trên thực tế đây đó vẫn có những báo cáo theo kiểu in sao của năm trước, thay tên đổi số và nhất khoát phải thêm thành tích, kết quả; rồi, tình trạng “xấu che, tốt khoe”, “làm tròn số”, chạy theo thành tích ảo, dễ gây nên ảo tưởng, khó khắc phục, sửa sai để làm tốt hơn công việc được giao. Đây đó là kiểu khen thưởng tăng đều qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, rồi, tập trung nhiều vào lãnh đạo, luân phiên, năm nay cá nhân, đơn vị này thì sang năm cá nhân, đơn vị khác…
Tâm lý háo danh, chuộng hình thức, con gà hơn nhau tiếng gáy hoặc đơn giản là theo kiểu động viên nhau để “cả nhà cùng vui”… đã khiến cho thành tích vốn mang ý nghĩa tích cực, tốt đẹp trở thành “bệnh”. Căn “bệnh” này là nhằm để cầu danh, cầu lợi. Không chỉ lợi vật chất từ số tiền thưởng nhỏ mà còn là cách để đánh bóng tên tuổi, để dễ bề thăng quan tiến chức, tức là lợi chính trị.
Người xưa có câu “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” với hàm ý rằng quý chất lượng, không quý số lượng và chất lượng quan trọng hơn số lượng. Thế nhưng, với những báo cáo được tô hồng, những con số thống kê đẹp; với kiểu nhà nhà đều được khen, được thưởng… không chỉ gây nên ảo tưởng, mất đi ý nghĩa động viên cá nhân, tập thể cùng phấn đấu vươn lên mà hơn cả còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, hiểu đúng về công tác thi đua, khen thưởng và có những biện pháp đẩy lùi “bệnh thành tích” chính là việc làm thiết thực để đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vào cuộc sống.
Bình Toàn