Có nên cấm dùng thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật?
Mới đây, Bộ Công an đã soạn thảo xong dự thảo lần 2 nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị để chuẩn bị ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.
Dự thảo nghị định này bao gồm 4 chương, 19 điều quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Đáng chú ý, tại điều 4 dự thảo nghị định này nêu: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Khi đưa ra lấy ý kiến, dư luận xã hội và nhiều chuyên gia pháp lý đã phản bác về nội dung nêu trên của dự thảo nghị định này, vì cho rằng quy định cấm công dân không được sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình với mục đích hợp pháp là trái với quy định của Hiến pháp. Đồng thời, việc quy định “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng” sẽ gây ảnh hưởng đến quyền tác nghiệp của nhà báo hoặc quyền của người dân khi muốn tham gia điều tra tội phạm…
Sau khi vấp phải sự phản ứng của dư luận xã hội và ý kiến phản biện của các chuyên gia pháp lý, Bộ Công an đã có giải trình: việc quy định các điều kiện về kinh doanh các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật; cấm mọi công dân - trong đó có các nhà báo sử dụng các thiết bị này, là nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình… mà Hiến pháp đã quy định (Điều 21 Hiến pháp 2013).
Đồng thời, Bộ Công an cũng đưa ra các quy định của pháp luật như Điều 223, 225, 227 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định về sử dụng ghi âm, ghi hình bí mật… trong biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt; và cho rằng “chỉ cấm việc ghi âm, ghi hình bằng các thiết bị được giấu trong các đồ vật thông thường, chứ không cấm việc ghi âm, ghi hình bằng các thiết bị thông thường…
Tuy nhiên, dư luận cho rằng những lý giải trên của Bộ Công an là chưa thỏa đáng. Bởi tại các điều khoản của Bộ luật Tố tụng hình sự mà Bộ Công an đã viện dẫn, chỉ quy định quy trình, thẩm quyền... về quá trình tố tụng điều tra hình sự đặc biệt; đồng thời chỉ cấm người thu thập các thông tin trên sử dụng vào các mục đích khác, chứ điều luật không hề cấm mọi công dân sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật…
Thực tiễn cũng đã cho thấy, nhờ ứng dụng khoa học của các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật, nhiều công dân, nhiều nhà báo đã tham gia hoặc trực tiếp phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực liên quan đến môi trường, thực phẩm bẩn, đưa và nhận hối lộ, mãi lộ của một số cá nhân thuộc một số ngành chức năng… Qua đó, giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật có cơ sở điều tra làm rõ nhiều vụ án, được dư luận quan tâm và đồng tình ủng hộ.
Việc cấm mọi công dân sử dụng các thiết bị này cũng xâm phạm về quyền tài sản của công dân. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa nghiêm cấm các hành vi kinh doanh các mặt hàng này, nên không thể cấm việc mọi người mua và sử dụng các thiết bị này, không giống như việc cấm kinh doanh vũ khí, thuốc nổ và ma túy…
Sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm là của toàn dân, việc cấm mọi công dân sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật là làm hạn chế, thậm chí triệt tiêu vai trò đấu tranh phòng, chống tội phạm của mọi người dân - trong đó không thể thiếu vai trò của các nhà báo.
Đối với các vụ việc tiêu cực liên quan đến những người có trách nhiệm, những người thực thi pháp luật, cần phải sử dụng đến các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật để không bị phát hiện, thì việc thu thập chứng cứ vi phạm mới đạt hiệu quả. Xin đơn cử một ví dụ như một cán bộ lâm nghiệp nhận tiền hối lộ của một cá nhân để “làm ngơ” việc vận chuyển lâm sản trái phép; hay Cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ của các lái xe…; nếu như không có các thiết bị này thì làm sao có những bằng chứng xác đáng, thuyết phục về các hành vi vi phạm, tiêu cực đó?
Trước khi nghị định này được ban hành và có hiệu lực thi hành, dư luận không khỏi quan ngại rằng, các vụ việc tiêu cực liên quan đến những người có trách nhiệm, các thiết bị ghi âm, ghi hình thông thường sẽ không thể nào phát huy được tác dụng trong việc thu thập các chứng cứ phạm tội… vì dễ bị người vi phạm phát hiện và như vậy người muốn tố giác các hành vi vi phạm của các phần tử tha hóa của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ sẽ không thực hiện được; bởi việc làm đó có thể bị "vô hiệu hóa" ngay tức khắc. Như vậy, việc tham gia đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng của người dân không được phát huy trong thực tế.
Việc sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình dù thông thường hay bí mật đời tư một cá nhân, đời tư gia đình… nếu dùng để phục vụ cho mục đích đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, bảo vệ các quyền lợi của xã hội… thì sẽ được pháp luật thừa nhận, được dư luận ủng hộ, đồng tình.
Hệ thống pháp luật Việt Nam cũng quy định rõ, nếu cá nhân, tổ chức nào sử dụng hình ảnh, các thông tin… do các thiết bị ghi âm, ghi hình… ghi lại sử dụng trên các phương tiện thông tin mà không được người đó đồng ý hay dùng các thông tin đó để phục vụ cho ý đồ cá nhân, làm trái với đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật... thì sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
Vì thế cho nên việc Bộ Công an dự thảo nghị định nói trên có lẽ chỉ nên dừng lại ở mức độ quy định các điều kiện về kinh doanh các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật, đưa các thiết bị này vào kinh doanh đặc biệt, chứ không nên “mở rộng quá mức” khi đưa vào điều chỉnh cả đối tượng sử dụng…
Vì sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đấu tranh các hành vi sai trái, tiêu cực… dư luận đang chờ đợi sự cầu thị, lắng nghe của những người có trách nhiệm trong việc soạn thảo nghị định nói trên.
Thùy Dương