“Chúng tôi cũng cần được bảo vệ”
Chuyện những cán bộ bảo vệ rừng bị hành hung ở Kon Tum cũng không phải là hiếm. Qua những vụ việc này cho thấy, cán bộ bảo vệ rừng luôn gặp nguy hiểm trước sự manh động, hung hãn của lâm tặc...
Tôi biết, phải nặng nỗi niềm lắm, một người gắn với “nghiệp rừng” hơn 30 năm như anh Nguyễn Thành Chung (Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) mới thốt lên như vậy. Khi cuộc chiến bảo vệ rừng ngày càng cam go, các đối tượng xâm hại rừng càng hung hãn thì hiểm nguy mà những cán bộ lâm nghiệp phải đối mặt càng nhiều...
Trong những ngày qua, anh Chung đặc biệt quan tâm đến vụ việc lực lượng quản lý, bảo vệ rừng xã Phi Tô, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) bị nhiều đối tượng dùng hung khí tấn công khi tiến hành giải phóng đất rừng bị người dân lấn chiếm vào ngày 8/8, khiến 1 người chết, 2 người bị thương. Đến ngày 14/8, Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ 8 đối tượng có liên quan đến vụ việc trên.
|
Chắc chắn rằng, những kẻ gây nên tội ác sẽ bị nghiêm trị, nhưng vụ việc là một hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo vệ chính những người làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Bởi bất cứ lúc nào, khi vấn nạn phá rừng và chống người bảo vệ rừng vẫn chưa được cải thiện thì họ vẫn luôn đối mặt với hiểm nguy.
Giọng anh Chung khô hẳn: Phải gọi là truy sát mới đúng, vì khi bị các đối tượng dùng hung khí hung hãn chặn đường, lực lượng bảo vệ rừng đã quay đầu xe chạy về trạm, nhưng vẫn bị truy đuổi, bao vây trạm và tấn công. Ông Nguyễn Ái Tĩnh- cán bộ Ban quản lý rừng Nam Ban- bị chém trúng cổ tử vong tại chỗ, anh Tân Khoa- cán bộ Ban quản lý rừng Nam Ban- bị chém vào đầu và anh Triệu Vũ Hiệp- Phó ban Lâm nghiệp xã Phi Tô- cũng bị chém vào đầu vỡ nát mũ bảo hiểm. Chỉ những cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ở địa bàn mới bị tấn công. Điều đó cho thấy, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng trực tiếp luôn là đối tượng gặp nguy hiểm đầu tiên.
Bên cạnh nỗi đau trước sự mất mát, hy sinh của những đồng nghiệp, anh Chung còn canh cánh nỗi lo về an toàn của hàng chục cán bộ, nhân viên công ty đang ngày đêm bám rừng.
Có thể nói, kể từ sau lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 6/2016), cuộc chiến bảo vệ rừng càng cam go, khốc liệt hơn, mâu thuẫn giữa các đối tượng xâm hại rừng và những người bảo vệ rừng cũng tăng cao hơn trước.
Chuyện những cán bộ bảo vệ rừng bị hành hung ở Kon Tum cũng không phải là hiếm. Gần đây nhất, ông Nay Y Riu– Giám đốc Ban quản lý rừng phòng đặc dụng Đăk Uy cũng bị lâm tặc tấn công, chém đứt một phần ngón tay trỏ trong một lần vây bắt lâm tặc hồi trung tuần tháng 4 vừa qua. Và cho đến nay, tại khu rừng này vẫn xảy ra những trường hợp lâm tặc lẻn vào rừng chặt gỗ trắc, đe dọa cả lực lượng bảo vệ.
Còn nhớ, vào tháng 2/2012, anh Hồ Thanh Vương- Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) cũng bị lâm tặc hành hung dã man. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho biết, vào lúc 20 giờ ngày 23/2/2012, sau khi đi kiểm tra thực tế việc phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn, anh Vương cùng 3 cán bộ của Ban quản lý là Nguyễn Hữu Thế, Trần Đức và A Yuet ngồi uống nước tại chốt kiểm soát của Ban ở thôn Gia Tul đã bị khoảng 20 thanh niên lạ mặt dùng hung khí tấn công tới tấp...
Từ những vụ việc trên cho thấy, cán bộ bảo vệ rừng đã không đủ khả năng tự bảo vệ được mình trước sự manh động, hung hãn của lâm tặc. Anh Hoàng Công Minh- Đội trưởng Đội trồng rừng-bảo vệ rừng Ngọc Tụ (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) cười khổ: Mất rừng, dĩ nhiên trách nhiệm đầu tiên phải kể đến là lực lượng bảo vệ rừng. Nhưng thực tế thì “khó nói” lắm. Tiếng là lực lượng bảo vệ rừng, nhưng chúng tôi không có quyền hạn, không được trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ gì, nếu gặp đối tượng xâm hại rừng chỉ có thể vận động hoặc tìm cách đẩy đuổi khéo léo.
Anh Phan Trọng Văn- Đội trưởng Đội trồng rừng-bảo vệ rừng Đăk Tờ Kan cũng phàn nàn: Nhiệm vụ của chúng tôi là trồng rừng; phối hợp với các lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Nhưng không như các lực lượng khác, chúng tôi chỉ có tình yêu rừng, tinh thần trách nhiệm với công việc và... hai tay không. Một khi bị lâm tặc, với đầy đủ hung khí như dao, rựa, thậm chí là súng tấn công, thì làm sao bảo vệ rừng, bảo vệ mình?
Tỉnh Kon Tum có độ che phủ rừng lớn nhất Tây Nguyên (hơn 62%), vì thế công tác quản lý, bảo vệ rừng đã và đang được quan tâm đặc biệt. Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về quản lý, bảo vệ rừng, trong đó gần đây nhất là Kết luận 04-KL/TU ngày 13/1/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật; Thông báo 182-TB/TU ngày 24/6/2016 về kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về tình hình, kết quả thực hiện Kết luận 04-KL/TU; Thông báo số 216-TB/TU ngày 8/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ tại huyện Kon Rẫy...
Một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ ở huyện Đăk Glei cũng đã bị xử lý nghiêm minh, như cách chức Giám đốc Lâm trường Đăk Ba; kéo dài thời hạn nâng lương đối với Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng xã Đăk Kroong; khiển trách 2 nhân viên quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 107, 120...
Nhưng, một điều làm tôi và những người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng như anh Chung, anh Văn, anh Minh trăn trở là chưa có biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cán bộ lâm nghiệp.
Và càng thêm thấm thía câu chia sẻ của một cán bộ lâm nghiệp “lão làng”: Cán bộ bảo vệ rừng bị cám dỗ bởi tiền bạc là một mối nguy, bị đe dọa mạng sống là mối nguy lớn hơn, không loại bỏ hai mối nguy này thì rừng còn bị tàn phá.
Vì vậy, tôi đã không thể không đưa kiến nghị của Giám đốc Nguyễn Thành Chung vào bài viết của mình: Trong tay chúng tôi chẳng có thứ vũ khí nào hỗ trợ cả, nên lâm tặc không sợ. Mong sao, Nhà nước trang bị hoặc cho phép chúng tôi mua sắm, sử dụng công cụ hỗ trợ nào đó để có thể tự vệ và xử lý trong những tình huống cần thiết...
Hồng Lam