Chung tay ngăn chặn bạo lực gia đình
Với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em”, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 (15/11-15/12) vừa được Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh phát động, một lần nữa kêu gọi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội xóa bỏ những khoảng cách về giới, đặc biệt là bạo lực gia đình.
Ngăn chặn bạo lực
Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã đưa ra con số thống kê khá lạnh lùng tại buổi lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017: Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 535 vụ bạo lực gia đình và 15 trường hợp bị xâm hại tình dục, mà phần lớn nạn nhân là phụ nữ.
Còn theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, 6 tháng đầu năm 2017 này, Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 522 vụ án hôn nhân và gia đình, so với cùng kỳ năm trước tăng 59 vụ. Điều đáng nói, theo thống kê của ngành tòa án, chính bạo lực gia đình là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ly hôn này.
Và trong những vụ việc này, chị em phụ nữ, trẻ em gái bao giờ cũng là người chịu thiệt. Không chỉ ảnh hưởng về tinh thần (sợ hãi, bế tắc…), thể chất (đau đớn, xây xát, bị thương và thậm chí là tử vong)… làm giảm sút sức khỏe, suy giảm khả năng, năng suất lao động mà sự tham gia vào cộng đồng của chị em cũng bị hạn chế. Hơn nữa, những người sống trong môi trường gia đình có bạo lực – đặc biệt là trẻ nhỏ cũng có xu hướng giải quyết mọi mâu thuẫn bằng bạo lực. Và chính bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái luôn là vấn đề được xã hội quan tâm và là trở ngại lớn nhất trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới.
Nhằm kêu gọi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, năm 2016, lần đầu tiên Kon Tum cũng như các địa phương trên cả nước triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Và năm nay là năm thứ hai, UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động nhằm mục đích huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái.
Và thực tế trong thời gian qua, ngành chức năng, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc can thiệp cho các chị em bị bạo lực, đồng thời tiến hành hòa giải, xử lý theo quy định pháp luật đối với các đối tượng bạo lực gia đình.
Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh và các cấp, các ngành liên quan đã tăng cường các chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 738 ngày 13/4/2014 về thực hiện chiến lược quốc gia hành động bình đẳng giới; triển khai đề án phòng, chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030…
Các địa phương, hội phụ nữ các cấp đã duy trì, nhân rộng các mô hình thí điểm tại cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới và phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng các địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng; dịch vụ tư vấn về bình đẳng giới… Một số thôn, làng, tổ dân phố còn đưa phòng, chống bạo lực gia đình vào hương ước, quy ước; thành lập các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình…
Lên tiếng để tự bảo vệ mình
Tuy nhiên, không ít người vẫn cho rằng, phòng, chống bạo lực gia đình phải được kết hợp đồng bộ từ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp nội lực – xây dựng các thiết chế gia đình bền vững và sự lên tiếng của người phụ nữ vẫn là hàng đầu.
Vì như đã nói, lâu nay, khi xảy ra bạo lực gia đình, xâm hại tình dục thì nạn nhân, người chịu thiệt vẫn luôn là nữ. Vì sao lại vậy? Phụ nữ, trẻ em gái vẫn luôn được xem là phái yếu. Mà “chân lý vốn thuộc về kẻ mạnh”, nên chị em nữ, trẻ em gái dễ bị bắt nạt, dễ bị uy hiếp, dễ bị bạo lực. Vì nơi này, nơi kia, vì đâu đó vẫn còn những tư tưởng trọng nam khinh nữ, nam giới là trụ cột của gia đình, phụ nữ là phải phục tùng… Nên chỉ cần một chút không hài lòng, chỉ cần một chút sai sót…, không ít người vợ phải hứng chịu những trận “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” từ chính người chồng thân yêu của mình.
Điều đáng nói là cho dù bị những trận thượng cẳng chân hạ cẳng tay, cho dù bị mắng mỏ, xúc phạm… thì không ít nạn nhân – những chị em phụ nữ lại chọn cho mình sự im lặng.
Im lặng vì xấu chàng hổ ai; im lặng vì sợ “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường”; im lặng vì có nói ra tình hình cũng chẳng cải thiện hơn, biết đâu lại còn diễn biến theo chiều hướng xấu hơn trước; im lặng vì thương các con còn nhỏ, phải chứng kiến, phải lắng nghe những bất hòa từ cha mẹ…
Cứ nghĩ như vậy nên bao nhiêu vụ bạo lực gia đình rơi vào im lặng. Con số thống kê 535 vụ trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2016 đến nay vì thế cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Và thực tế những vụ việc theo thống kê này đã rơi vào tình thế muốn giấu nhưng không thể nào giấu nổi. Vì đánh, vì đập, vì đồ đạc loảng xoảng theo những vụ bạo lực thể xác… thì cả xóm, cả làng ai cũng biết.
Còn bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục, mấy chị em nào kể ra; mà có kể ra khi mọi chuyện cũng đã qua, ai muốn khơi lại làm gì?
Thế nhưng, chính sự im lặng ấy của chị em lại khiến cho không ít gia đình rơi vào bế tắc. Không có sự phản ứng, người chồng, người đàn ông – phái mạnh lại nhầm tưởng là đàn ông mình phải thế và vợ mình là phụ nữ phải thế. Phụ nữ phải nhẫn nhục, phụ nữ phải nhẫn nhịn, phụ nữ phải hy sinh… Người đàn ông được cho mình quyền hành xử, quyền được phán xét, quyền được quyết định… mà thiếu đi sự tôn trọng người bạn đời. Những cơn sóng gió của gia đình, những lần bạo lực cứ thế mà dày lên, nặng lên như hiển nhiên phải thế! Xóa bỏ bất bình đẳng giới vì thế càng thêm trở ngại.
Cuộc sống của không ít gia đình như rơi vào ngõ cụt khi liên tục đối mặt với những trận đòn roi, cãi vã, xô xát…
Có lẽ vì vậy, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội, chị em cần phải biết lên tiếng. Chị em lên tiếng tức là chị em bày tỏ thái độ phản kháng trước những bất bình đẳng giới. Chị em lên tiếng là tự bảo vệ mình. Chị em có lên tiếng thì xóm làng, đoàn thể mới biết, mới khuyên giải, sẻ chia và cao hơn là được bảo vệ. Và sự lên tiếng của chị em sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực từ cộng đồng, thay đổi nhận thức và hành động về bình đẳng giới nói chung, về bạo lực gia đình nói riêng.
Nguyên Phúc