Chung sức “xóa nhà tạm, nhà dột nát”
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là tiêu chí quan trọng để giảm nghèo bền vững và thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Để huy động các nguồn lực giúp các hộ nghèo có nơi ở khang trang, thoải mái, phong trào thi đua“xóa nhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến cuối năm 2025 đã triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước.
Tuần qua, sự kiện Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương cùng với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức phát động phong trào thi đua “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025 đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành, nhiều tổ chức, cá nhân và được dư luận đánh giá cao. Bởi đây là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, giúp cho họ có những mái ấm an toàn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Có thể nói, suốt nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đối với công tác giảm nghèo. Nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế đã được ban hành và thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể tích cực triển khai, huy động nhiều nguồn lực đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để giúp đỡ người nghèo, trong đó, xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chương trình quan trọng.
|
|
Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.490.000 căn nhà cho các đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước. Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành một phong trào rộng khắp, “điểm sáng” của công tác giảm nghèo bền vững. Không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân, việc làm đầy ý nghĩa nhân văn này còn là động lực để phát huy hơn nữa truyền thống tương thân tương ái, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận hộ dân, vì nhiều lý do, vẫn còn nghèo, nhiều gia đình chưa có nhà ở hoặc phải ở trong những căn nhà đơn sơ, tạm bợ, không có khả năng tự cải thiện nhà ở. Thế nên, việc hỗ trợ nhà ở các hộ nghèo, hộ cận nghèo rất quan trọng, bởi có an cư thì mới lạc nghiệp, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no.
Tại Nghị quyết số 42-NQ/TW (ngày 24/1/2023), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu”.
Việc Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” là hành động thiết thực góp phần cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết số 42-NQ/TW với quyết tâm đến hết năm 2025 xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tất nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần huy động nhiều nguồn lực, với sự tham gia vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Tại tỉnh ta, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm lo đối tượng người có công và chung tay giúp đỡ người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người, mọi nhà được tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, nhất là việc hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở.
Cùng với các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực cùng nhau chung sức giúp đỡ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ năm 2019 – 2023, Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã vận động được trên 53,9 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở, sinh kế, chăm sóc sức khỏe, chăm lo tết cho hộ nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Trong đó, riêng về nhà ở, toàn tỉnh đã có 967 căn nhà đại đoàn kết được xây mới và sửa chữa giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo có nơi ở ổn định. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trên toàn tỉnh.
Theo đó, trong giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh có 28.563 hộ thoát nghèo, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,62%/năm. Giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm bình quân 3,88%/năm. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 10.220 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,84% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Trong số hộ nghèo hiện có của toàn tỉnh, theo thống kê của MTTQ Việt Nam tỉnh, có 2.046 hộ nghèo vẫn đang ở trong các căn nhà tạm bợ, dột nát và 3.538 hộ có nhà ở chưa đảm bảo về diện tích.
Có một căn nhà khang trang, vững chãi là ước mơ của mỗi người. Thế nhưng, đối với những hộ nghèo thì con đường đến giấc mơ ấy trở nên khó khăn hơn. Vì thế, việc phát huy tinh thần đại đoàn kết, nghĩa tình đồng bào để có thêm kinh phí, ngồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo là việc làm cần thiết. Từ đó tiếp thêm động lực để người dân vững tin vào chính sách, ổn định đời sống và phấn đấu vươn lên.
Thùy Hương