Chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Đổi mới để giảm áp lực
Chỉ còn 1 tháng nữa là các em học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Đây là năm thứ ba Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi theo hình thức "hai trong một", vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. Đáng quan tâm, tiếp tục với các điểm mới đưa ra, kỳ thi này được dự báo mang lại cho thí sinh sự tiện lợi đồng thời mở hướng phân luồng nghề nghiệp
Gọn nhẹ, giảm áp lực
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa quốc gia lần thứ 3 (lần cuối), Sở GD&ĐT hiện đang tập trung cho kỳ thi thử. Phần lớn giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh đều cho rằng, đề thi minh họa quốc gia lần thứ 3 giống đề thi thật được công bố trước kỳ thi chính thức gần 1,5 tháng sẽ giúp cho giáo viên, học sinh rèn luyện kỹ năng làm bài, phương thức thi, cấu trúc đề thi mới và có kế hoạch ôn tập phù hợp.
Sở dĩ, giáo viên, học sinh phấn khởi trước việc công bố sớm đề thi minh họa giống đề thi thật như vậy là vì trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay có những đổi mới. Trước đây, khi kỳ thi THPT quốc gia “hai trong một” này tiếp tục có những đổi mới, không ít giáo viên, phụ huynh, học sinh lo lắng vì chưa hình dung được cụ thể, đặc biệt là đề thi. Vì đây là năm đầu tiên, các bài thi (trừ môn Ngữ văn thi tự luận) đều thi trắc nghiệm. Đồng thời, đây cũng là năm đầu tiên, các thí sinh làm 5 bài thi, trong đó có 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT, còn đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thì tổ hợp Khoa học xã hội chỉ gồm 2 môn Lịch sử, Địa lý. Với số môn thi như trên, các thí sinh chỉ cần 2,5 ngày (các năm trước 4 ngày) là hoàn thành được kỳ thi, giảm được áp lực cho các em.
Như đã nêu ở trên, cũng trong kỳ thi này, lần đầu tiên, môn Giáo dục công dân – từng xem là môn phụ được đưa vào thi. Nhiều người đồng tình, dù là muộn nhưng còn hơn không, một khi môn Giáo dục công dân là môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia đã thể hiện sự coi trọng việc rèn luyện đạo đức, nhân cách, nâng cao vốn sống, hiểu biết, “học để làm người” đối với học sinh. Cũng vì lần đầu tiên thi và thi trắc nghiệm nên qua 3 lần học sinh được thi thử với đề thi minh họa quốc gia, các em dần hình dung, học và ôn tập đúng trọng tâm, trọng điểm.
Điểm mới nữa trong kỳ thi này là thay vì tổ chức 2 cụm thi như năm trước, năm nay, mỗi tỉnh chỉ tổ chức 1 cụm thi. Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan, công bằng, Bộ GD&ĐT đã cử các trường đại học, cao đẳng về địa phương tham gia tổ chức kỳ thi. Theo đó, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 này tại Kon Tum sẽ có cán bộ, giáo viên 3 trường đại học, cao đẳng tham gia: Đại học Công nghệ Sài Gòn, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, đảm bảo mỗi phòng thi có một giảng viên làm giám thị.
Theo ông Nguyễn Phúc Phận – Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, những điểm mới như: thí sinh không phải di chuyển đi xa, việc thi trắc nghiệm được ứng dụng công nghệ thông tin trong chấm thi không chỉ đảm bảo nhanh mà còn chính xác… kỳ thi này được nhiều người kỳ vọng sẽ nhẹ nhàng, gọn nhẹ, giảm áp lực, tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn ở cho thí sinh.
Phân luồng nghề nghiệp
Có thể nói qua 3 năm Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi theo hình thức "hai trong một", vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng đã cho thấy rõ sự phân luồng nghề nghiệp.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 4.077 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 1.195 thí sinh dự thi chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.
So sánh với kỳ thi THPT quốc gia năm năm 2016, toàn tỉnh có 4.242 thí sinh đăng ký dự thi ở 2 cụm thi. Tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì có 1.610 thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cụm thi do Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) chủ trì phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum (trực thuộc Sở GD&ĐT) có 2.632 thí sinh thi với 2 mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Và trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 3.135 thí sinh (trong đó có 848 thí sinh tự do) đăng ký dự thi ở cụm thi liên tỉnh (vừa xét tuyển tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng) và có 1.753 thí sinh dự thi ở cụm thi địa phương (chỉ xét tốt nghiệp THPT).
Như vậy, qua các năm, số lượng thí sinh trên địa bàn tỉnh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia giảm dần và chủ yếu giảm ở cụm thi vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng. Điều này phần nào cho thấy rõ sự thay đổi trong nhận thức, quan niệm của mỗi học sinh cũng như của gia đình, toàn xã hội khi xác định năng lực của bản thân và nhu cầu lựa chọn tương lai. Đồng thời, các trường THPT trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện tốt hơn công tác phân luồng, hướng nghiệp cho các em.
Không đi theo lối mòn, cứ tốt nghiệp THPT rồi, hầu như 100% em được cha mẹ khăn gói đưa lên các thành phố lớn ôn luyện, chờ ngày thi đại học. Nhưng, không ít em trong số đó dẫu biết chắc sẽ không đỗ nhưng vẫn cứ đi, đi cho bằng bạn bằng bè, biết đâu lại ăn may…
Hệ quả của những ngày nhà nhà đại học, người người đại học ấy là con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng cao. Năm nay, không ít phụ huynh, học sinh khi vừa đăng ký để tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, cao đẳng đã không khỏi băn khoăn ngành nào, nghề nào có nhiều cơ hội việc làm vào 4-5 năm tới đây?
Chính vì vậy nên trước các kỳ thi “hai trong một”, những em mức học trung bình, điều kiện gia đình khó khăn đã quyết định chọn lựa chỉ để xét tốt nghiệp. Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Lợi (thành phố Kon Tum) có mức học trung bình. Sau bao nhiêu băn khoăn chọn ngành, chọn nghề ở các trường đại học tận Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt…, khi được gia đình, thầy cô tư vấn, hướng nghiệp, em đã quyết định chỉ đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp. Hà chia sẻ rằng, cháu nghĩ thi cũng khó đậu, nếu có đậu với sức học cháu khó xin được việc làm. Thôi thì, cháu chỉ đăng ký thi để tốt nghiệp THPT, rồi đăng ký học thêm nghề khách sạn, nhà hàng về làm ở khách sạn của bác cháu. Bác cháu, mẹ cháu ai cũng đồng tình phương án đó, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí, vừa sớm tiếp cận công việc.
Hà chỉ là một trong số gần 1.200 học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh đăng ký dự thi chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thời điểm này, cùng với chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, các em cũng rất cần được các cấp, các ngành và đặc biệt là gia đình, thầy cô tư vấn, định hướng, hỗ trợ, dự báo nguồn nhân lực trong tương lai gần để các em tìm hiểu, cân nhắc học nghề, chọn nghề có thể tìm kiếm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Bình Toàn