“Cho roi cho vọt” hay “cho ngọt cho bùi”?
Chưa kịp nguôi chuyện cô giáo ở An Giang bị phụ huynh bắt quỳ gối vì trước đó từng có hình phạt đó với con em họ và chuyện cô giáo ở Bến Tre bị chính học sinh của mình bóp cổ ngay tại lớp học… thì mới đây lại thêm một thầy giáo ở Nghệ An bị phụ huynh đánh đến mức phải nhập viện.
Nghề cao quý, nghề được xem là bệ đỡ cao nhất cho các giá trị văn hóa, đạo đức được vững bền và phát huy trong cuộc sống thì nay giá trị thầy – trò, thầy – phụ huynh đang bị đảo lộn, lại còn nhuốm màu bạo lực khiến nhiều người băn khoăn, trăn trở.
Những câu chuyện đó là cá biệt hay nơi này, nơi kia vẫn xảy ra, dù vi phạm chưa đến mức độ nghiêm trọng như vậy?
Những câu chuyện đó một lần nữa đặt ra câu hỏi về phương pháp giáo dục con trẻ, yêu thì “cho roi cho vọt”, ghét thì “cho ngọt cho bùi”?
Chuyện phụ huynh, học sinh “hơn - thua” với thầy cô giáo có lẽ không dừng lại trong những vụ việc vừa kể. Chẳng nói đâu xa, ngay trong tuần vừa qua, cô giáo chủ nhiệm lớp 2 ở một trường điểm ở thành phố Kon Tum cũng bị phụ huynh gặp hiệu trưởng “tố” hay đánh con mình.
Chả là, mấy cô cậu nhóc siêu quậy, cô giáo nhẹ nhàng, tình cảm, dỗ dành mãi chẳng nghe, bực mình có lấy thước phệt vào mông, vào tay… Con trẻ về mách cha mẹ, cha mẹ bức xúc tìm gặp nhà trường phản ánh kiểu làm việc “phi sư phạm” của cô giáo…
Nghe chuyện, phần lớn phụ huynh đều thông cảm cho các cô. Nhà mình có 1-2 đứa con lắm khi cũng điên hết cả đầu vì các trò ngỗ nghịch, bướng bỉnh… Đằng này, mỗi lớp tới 30 em, thậm chí có lớp tới 40 em mà chỉ có mình cô. Nói lui nói tới các em vẫn lì lợm, nghịch ngợm, đánh nhau, nói chuyện…, “kỷ luật sắt” là biện pháp sau cùng buộc các cô phải áp dụng (tất nhiên phải là giơ cao đánh khẽ).
Nhưng không phải ai cũng thông cảm, chia sẻ với thầy cô giáo. Con mình ở nhà lâu nay được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, vậy mà lên lớp cô giáo hết bắt quỳ, lại đến dùng thước phệt mông, phệt tay…, phụ huynh “nóng mặt” cũng là chuyện thường tình. Vậy là, nhè nhẹ thì phụ huynh lên gặp nhà trường phản ánh, nặng hơn thì bắt cô giáo phải quỳ hay đánh thầy giáo phải nhập viện như vừa qua.
Những nốt lặng trong nghề giáo liên tục xảy ra trong thời gian gần đây không chỉ khiến những người thầy, người cô trong nghề chạnh lòng mà dường như còn khiến cho những học sinh 12 đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề chùn bước.
Nhiều thầy cô giáo lý giải rằng, họ chọn nghề giáo, yêu nghề giáo vì đây là nghề cao quý, không chỉ được xã hội tôn vinh mà còn bởi môi trường làm việc văn hóa và ngập tràn tình yêu thương của con trẻ, của phụ huynh khiến lòng thanh thản với những niềm vui nho nhỏ…
Nên, chưa nói đến chuyện lương, thưởng thấp mà trước thực trạng học trò khó dạy, phụ huynh thiếu tôn trọng thầy cô, môi trường làm việc vốn tràn ngập yêu thương nay dần nhuốm màu bạo lực cũng là lý do khiến ngành sư phạm ít được các em lựa chọn và khó chọn được học sinh giỏi.
Vẫn biết rằng dạy trẻ kiểu “cho roi cho vọt” ít phù hợp trong xã hội hiện nay; nhưng, nếu “cho ngọt cho bùi” một cách lạm phát cũng dễ tạo ra những “em chã” với cái tôi tự phát khó uốn nắn.
Giáo dục một con người thời nào cũng vậy không thể thiếu đi sự nghiêm khắc, chẳng phải cha ông ta có những câu nói đầy hàm ý “thuốc đắng dã tật”, “cá không ướp muối cá ươn” hay sao. Dạy và dỗ là chủ yếu, trách mắng, la rầy, thậm chí “cho roi cho vọt” theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” phải là sau cùng. Cô thầy hiểu trò sai sót chỗ nào để có hướng giáo dục hiệu quả; trò cũng từ lần la mắng ấy đã hiểu, nhận ra sai lầm; trò và phụ huynh biết ơn thầy cô cũng vì “yêu” mình, “yêu” con mình mà la mắng, mà “cho roi cho vọt” để ngày càng tiến bộ.
Nhưng, sau những câu chuyện buồn phụ huynh bắt cô giáo quỳ, phụ huynh đánh thầy giáo nhập viện…, liệu sẽ còn bao nhiêu thầy cô giáo dám “yêu” để nhận quả đắng?
Và một khi thầy cô từ bỏ kiểu “yêu” này hay nói cách khác không áp dụng hình thức “kỷ luật sắt”, không nghiêm khắc với những học sinh hư, học sinh cá biệt, cứ thế mà “cho ngọt cho bùi” theo kiểu cho xong chuyện, thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Môi trường học đường khi ấy sẽ gia tăng những hành vi, nặng thì bóp cổ giáo viên như vừa diễn ra tại một lớp học ở tỉnh Bến Tre, nhẹ thì trực tiếp bày tỏ thái độ vô lễ hay lên mạng xã hội công kích, lấy thầy cô làm chủ đề bàn tán, bôi nhọ…?
“Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” - cha ông ta từ xưa đã có câu nói như vậy. Vấn đề là, khi nào “cho roi cho vọt”, khi nào “cho ngọt cho bùi” để tạo dựng mối quan hệ yêu thương, tôn trọng, tin cậy giữa thầy - trò, thầy - phụ huynh. Để làm được điều đó, để bớt đi những câu chuyện buồn của nghề giáo, có lẽ chỉ riêng sự nỗ lực của người thầy là chưa đủ…
Liễu Hạnh