Chỉ số PCI – Từ điểm số đến hành động
Cuối tháng 3, báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 (PCI) đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố. Theo đó, Kon Tum xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 58,53 điểm, nằm trong nhóm xếp hạng tương đối thấp, trên 2 tỉnh Bình Phước và Đăk Nông.
Dù thứ hạng sụt giảm so với năm trước nhưng điểm số lại được cải thiện, thu hẹp khoảng cách về mặt điểm số so với các tỉnh ở nhóm trên (điểm PCI trung bình năm 2017 là 60 điểm; các tỉnh xếp thứ hạng cao ở quanh mức 70 điểm). Lấy ví dụ cụ thể trong vài năm gần đây để thấy được sự bứt phá về mặt điểm số của tỉnh. Năm 2015, 56,55 điểm, xếp thứ 52/63; năm 2016, xếp thứ 56/63 với 56,27 điểm và năm 2017 là 58,53 điểm, xếp thứ 61/63.
Điểm số được cải thiện là kết quả của sự nỗ lực của tỉnh khi không ngừng thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, minh bạch, kịp thời trong cung cấp thông tin cho doanh nghiệp…
Thực tế qua các năm, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc họp bàn, xem xét, mổ xẻ từng chỉ số thành phần của PCI, mong tìm ra những điểm doanh nghiệp đánh giá thấp, từ đó lên kế hoạch để cải thiện. Tỉnh cũng đã định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; đề ra mục tiêu về thứ hạng, về điểm số rất cụ thể; thời gian giải quyết thủ tục liên quan đến đầu tư được rút ngắn. Cổng thông tin điện tử tỉnh cũng đăng tải thông tin và tiếp nhận phản ánh, ý kiến của doanh nghiệp…
Đặc biệt, từ tháng 6/2017 đến nay, cứ vào sáng thứ năm hàng tuần, lãnh đạo tỉnh đã gặp gỡ, cà phê sáng với các doanh nhân tại Cửa hàng cà phê Dak Mark Coffee, trong khuôn viên Nhà khách Hữu Nghị (tức là nhà khách của UBND tỉnh) nhằm tạo ra tính tương tác hai chiều giữa chính quyền và doanh nghiệp. Doanh nghiệp được chia sẻ những khó khăn, vướng mắc; trao đổi, góp ý để biến những ý tưởng kinh doanh mới thành hiện thực, đưa sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả hơn. Lãnh đạo tỉnh được cảm nhận, lắng nghe, được tiếp cận thông tin thị trường, đối thoại đa chiều, được hiến kế… để có những cân nhắc, quyết định đúng đắn khi triển khai một chính sách mới, một ngành hàng mới ở địa phương…
Thứ hạng, điểm số CPI và thực tế chỉ ra rằng, dù tỉnh đã không ngừng nỗ lực cải cách nhưng nhiều bất cập vẫn tồn tại trong việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Hàng loạt vấn đề vẫn đang là tác nhân cản trở người dân và doanh nghiệp. Đơn cử, trong 10 chỉ số thành phần CPI năm 2017 của tỉnh, chỉ số chi phí không chính thức đạt mức điểm thấp nhất (4,46 điểm). Chi phí không chính thức được hiểu là phí hoa hồng khi tham gia đấu thầu, là chi phí “bôi trơn”, “lót tay” để nhanh xong việc, để cải thiện thái độ làm việc của một số cán bộ công chức cố tình nhũng nhiễu, làm khó các doanh nghiệp…
Hay, dù qua báo cáo của các địa phương, sở, ngành, tỷ lệ giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp đúng và vượt thời gian quy định cao nhưng trên thực tế vẫn còn đó những nhiêu khê khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần. Dù lãnh đạo tỉnh tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, sẵn sàng giải quyết khó khăn, vướng mắc nhưng về đến các địa phương, các sở ngành lại nhiêu khê, không mấy mặn mà theo kiểu “trên nóng – dưới lạnh”. Dù thời gian kiểm tra, thanh tra đã có cải thiện mạnh mẽ nhưng cũng chưa thực sự tạo nên sự thay đổi lớn …
Kon Tum chúng ta có nhiều điểm mạnh: tài nguyên khoáng sản phong phú, đất đai phì nhiêu, tiềm năng du lịch, văn hóa… Đặc biệt, Kon Tum có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với bạt ngàn cao su, cà phê và gần đây là những mô hình nông nghiệp sản xuất theo công nghệ cao đã thu hút nhiều doanh nghiệp, người dân từ các nơi tìm đến.
Nhưng, Kon Tum chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, cũng chưa có nhiều thương hiệu nông sản, nếu có cũng ở dạng nhỏ. Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Đã thế, nông sản cũng theo đà bấp bênh được mùa - mất giá; mất mùa - được giá và có khi mất mùa - mất luôn cả giá… khiến cho người nông dân lao đao, doanh nghiệp dễ chực chờ phá sản.
Quay trở lại câu chuyện điểm số PCI để thấy, thứ hạng không phải là điều cốt yếu, vấn đề làm sao thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn và làm sao tạo lập được niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp. Nhìn thẳng vào nội lực tỉnh đang có, nhìn thẳng vào những chỉ số thành phần trong PCI để tối ưu hóa, nhìn thẳng vào những hạn chế để thanh lọc những bất cập, hạn chế, kiểu “trên nóng dưới lạnh”, kiểu “trên trải thảm dưới trải đinh”… nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn là ưu tiên trọng tâm và xuyên suốt.
Nguyên Phúc