Chăm sóc, bảo vệ trẻ em - Trách nhiệm không của riêng ai
Tháng 6 hằng năm được chọn là Tháng Hành động vì trẻ em, được triển khai trên toàn quốc. Đây là dịp chúng ta cùng nhìn lại công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đồng thời, tiếp tục đưa ra những giải pháp, kế hoạch hành động quyết liệt, thiết thực hơn nữa để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ này.
Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, ngày 25/5, tại huyện Đăk Tô, Ban Chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh đã tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động vì trẻ em năm 2023. Với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, Tháng hành động nhằm huy động sự chung tay của toàn xã hội cùng với các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 202.580 trẻ em (dưới 16 tuổi), chiếm khoảng 35% dân số toàn tỉnh.
|
Công tác chăm sóc, bảo vệ, thực hiện các quyền của trẻ em luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách dành cho trẻ em, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc cho trẻ em. Chú trọng xây dựng môi trường thân thiện, an toàn để trẻ em phát triển và lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Nhận thức mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội về việc thực hiện các quyền của trẻ em ngày càng được nâng cao. Từ đó, giúp trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Theo đó, các chính sách về giáo dục được thực hiện đầy đủ, hệ thống trường lớp được ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, đảm bảo quyền học tập của trẻ em. Toàn tỉnh có 102/102 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% số xã, phường, thị trấn được công nhận phổ cập Tiểu học và Trung học cơ sở.
Tất cả trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Các dịch vụ y tế về bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tuyến tỉnh đến cơ sở được củng cố, phát triển, nâng cao về chất lượng, góp phần đảm bảo cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đời sống văn hóa tinh thần, phúc lợi xã hội dành cho trẻ em ngày càng được quan tâm. Với 143 điểm vui chơi, 1 Trung tâm văn hóa cấp tỉnh, 63 thư viện, 61 tủ sách, 54 nhà văn hóa xã, 287 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, 447 nhà rông, 28 bể bơi, 19 sân vận động hiện có trên toàn tỉnh đã tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, giải trí lành mạnh, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho trẻ em.
Đặc biệt, các mô hình hệ thống có liên quan đến bảo vệ trẻ em được xây dựng và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả. Hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được 58 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em và duy trì hoạt động có hiệu quả 42 xã có mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Hoạt động can thiệp, trợ giúp kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em chưa ngoan ngày càng được quan tâm với 2 mô hình phòng điều tra thân thiện tại Công an tỉnh, 1 mô hình hội đồng tư vấn công tác xã hội cấp tỉnh trợ giúp trẻ em, 1 mô hình dịch vụ công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh. 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học; trẻ em khuyết tật, tàn tật nặng, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được trợ giúp.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực tế nhìn nhận, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế và thách thức. Hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn còn gần 2.600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 44.719 em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, 535 trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề xã hội cần được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa.
Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, tử vong do tai nạn đuối nước chưa được khắc phục. Chỉ riêng năm 2022, toàn tỉnh vẫn có 7 trẻ em bị xâm hại tình dục và 29 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Những con số thống kê của các ngành chức năng, địa phương có lẽ chỉ là “phần nổi của tảng băng”, bởi thực tế có nhiều vụ việc chưa được phát hiện, phản ánh.
Tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, bắt lao động sớm vẫn chưa được phòng ngừa và ngăn chặn một cách có hiệu quả. Đặc biệt, thời gian gần đây, vấn nạn trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng ngày càng diễn biến phức tạp, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng tăng.
Điều đó cho thấy, cùng với chăm sóc, giáo dục thì việc tạo lập môi trường phát triển an toàn, lành mạnh, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại, bóc lột cũng vô cùng quan trọng và là việc làm hết sức cần thiết hiện nay.
Tháng Hành động vì trẻ em chính là dịp cao điểm tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ trong việc thực hiện Luật Trẻ em, chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em; phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích; tích cực lắng nghe và giải quyết các vấn đề của trẻ em.
Trước mắt, quan tâm bảo vệ trẻ em tránh khỏi tai nạn thương tích, nhất là tai nạn do đuối nước, tai nạn giao thông và những nguy cơ từ môi trường mạng Internet, bảo đảm một mùa hè an toàn, lành mạnh cho các em.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình và là chủ nhân tương lai của đất nước. Để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đòi hỏi nỗ lực, sự vào cuộc tích cực và quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi gia đình.
Thùy Hương