Cảnh giác với âm mưu thù địch
Thời gian qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm và chia buồn sâu sắc với gia đình 39 nạn nhân thiệt mạng trong xe container xảy ra tại Anh. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có sự chỉ đạo, gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình nạn nhân, xem đây là nỗi đau của cả cộng đồng.
Thế nhưng, những ngày gần đây, trên internet và một số trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin không những không chia sẻ nỗi đau, mất mát với gia đình nạn nhân, mà còn dựng chuyện, xuyên tạc, thêu dệt khiến dư luận cả nước bất bình.
Nội dung chủ yếu của các trang mạng này là lợi dụng vụ việc để xuyên tạc tình hình kinh tế đất nước, xuyên tạc chế độ ta. Nhiều báo, đài của nước ngoài đã quy chụp, xuyên tạc cho rằng Việt Nam yếu kém trong vấn đề điều hành đất nước, làm cho kinh tế kém phát triển, người dân bị nghèo đói, bởi thế công dân Việt Nam phải đi tìm “miền đất hứa”, ra nước ngoài làm ăn… nên bị thiệt mạng tại nước ngoài.
Những thông tin xuyên tạc, nhiễu loạn này khiến những gia đình có người thân bị thiệt mạng đang chịu nỗi đau khôn cùng về tinh thần càng thêm tâm lý bất an, trở thành nỗi đau nhiều chiều.
Từ thực tế vụ việc cho thấy, tai nạn đau lòng trên chính là do những đối tượng xấu lợi dụng sự tin tưởng, nhẹ dạ của người dân đã vẽ ra một “miền đất hứa” ở nơi đất khách quê người, dụ dỗ họ cầm cố, thế chấp tài sản… giao tiền cho chúng để đi xuất khẩu lao động trái phép, vượt biên trái phép với mong ước làm giàu một cách nhanh chóng.
Sự nhẹ dạ cả tin bởi kẻ xấu lừa gạt đã phải trả giá quá đắt bằng sinh mạng của chính mình và nỗi đau cho người thân. Các nạn nhân rất cần sự thông cảm, sẻ chia của cộng đồng, của những người có lương tri, bởi sự mất mát là quá lớn đối với họ.
Trước nỗi đau trên, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng Công an vào cuộc, điều tra làm rõ nguyên nhân và kiên quyết xử lý đối với những đối tượng lợi dụng lòng tin của người khác để lừa phỉnh đi xuất khẩu lao động trái phép tại nước ngoài.
|
Lực lượng Công an đã vào cuộc điều tra, nhiều đối tượng đã sa lưới và rồi đây sẽ chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Vấn đề đặt ra ở đây là mỗi người chúng ta cần cẩn trọng trước việc một số báo, đài nước ngoài và một số trang mạng xã hội thông tin không những không mang tính xây dựng, thông cảm, sẻ chia những mất mát thương đau với người thân nạn nhân, mà còn dựng chuyện, cắt ghép, tung tin sai sự thật khiến dư luận xã hội hiểu sai về bản chất vấn đề, gây tâm lý hoang mang trong dư luận… Mục đích của việc làm này là gây bất ổn về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nước ta, tiến tới gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, âm mưu chống phá chế độ, phá hoại cuộc sống yên bình của người dân.
Không như những gì mà một số báo, đài nước ngoài và một số trang mạng xã hội đã xuyên tạc về một số hình ảnh kinh tế yếu kém của Việt Nam, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế và hội nhập quốc tế, mở ra một triển vọng to lớn về tự do thương mại.
Trong khuôn khổ của một bài viết, chỉ xin được điểm qua một vài thành tựu của Việt Nam trong những năm qua: Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, thiết lập quan hệ với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước trong nhóm G8; nâng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược toàn diện, gia tăng nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược với Nga, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Tây Ban Nha…
Đặc biệt, mối quan hệ hợp tác khu vực giữa Việt Nam với ASEAN ngày càng phát triển toàn diện và có tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn hợp tác khu vực và thế giới. Việc thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 đã đóng góp thiết thực cho việc cải thiện môi trường luật pháp trong nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như làm cơ sở, làm tiền đề giúp Việt Nam tham gia các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương khác…
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh và đưa lên một tầm cao hơn bằng việc tham gia các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế đa phương. Tháng 7/1995 Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chính thức tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) từ 1/1/1996. Đây được coi là một bước đột phá về hành động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tiếp đó, năm 1996 Việt Nam tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và đến năm 1998, Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có một bước đi quan trọng khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào ngày 11/1/2007 sau 11 năm đàm phán gia nhập Tổ chức này.
Đến nay, Việt Nam đã mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế… Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Phát triển Á Châu, Quỹ Tiền tệ thế giới, Ngân hàng Thế giới…
Trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài viết chỉ có thể lược dẫn một vài thành tựu trong muôn vàn thành tựu đất nước ta đạt được trong thời gian qua, nhưng đã có thể thấy những luận điệu xuyên tạc của một số đài, báo nước ngoài cùng một số trang mạng xã hội. Chính vì vậy, chúng ta cần nhận thức rõ âm mưu thâm độc này, chủ động tuyên truyền tới mọi cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Dương Đức Nhuận