Cán bộ phải gần dân, sát dân
Mỗi cán bộ, đảng viên biết gần dân, sát nhân dân sẽ là nhân tố quyết định góp phần tạo nên sức mạnh của Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng”. Để hoàn thành trách nhiệm của mình, theo Bác, cán bộ, đảng viên phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn vậy, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải biết yêu dân, kính dân, phải thân dân, gần dân để hiểu dân; phải gắn bó với cơ sở, với thực tiễn, phải gương mẫu làm trước để dân hiểu và làm sau.
Mới đây, tôi được may mắn “tháp tùng” đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đi thăm và làm việc tại một số xã biên giới và đồn biên phòng trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, mới thấu hiểu hết được sự cần thiết và tầm quan trọng của việc gần dân, sát dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của dân mà mỗi cán bộ lãnh đạo, đảng viên cần thực hiện.
|
Trong chuyến đi nói trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã làm việc với đảng ủy các xã biên giới về rất nhiều nội dung, nhưng vấn đề được quan tâm nhất vẫn là cán bộ cơ sở phải năng động, sáng tạo trong lãnh đạo; phải thật sự gần dân, sát dân, quan tâm đến đời sống của người dân; làm cho người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, góp phần từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS để họ thật sự vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của bản thân và gia đình.
Gần dân, sát dân, hiểu dân chính là bằng những hành động thiết thực, những việc làm cụ thể có lợi cho dân. Và những hành động đó cũng phải được xuất phát từ sự hết lòng quan tâm, chăm lo đời sống cho dân để góp phần thay đổi cuộc sống của dân, giúp dân nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu và cải thiện cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Chính vì vậy, trong các buổi làm việc tại các xã biên giới vừa qua, khi được biết những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội như đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu… của các địa phương nơi đây, nhưng người dân tại chỗ, nhất là bà con DTTS vẫn còn nghèo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở để có một định hướng chắc chắn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ ra những yếu kém trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương này. Những hạn chế đó xuất phát từ sự thiếu định hướng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giúp người dân có thể mạnh dạn chuyển sang nuôi con gì, trồng cây gì phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, có hiệu quả kinh tế cao… tăng thu nhập cho người dân.
Để khắc phục những hạn chế xa rời dân, cán bộ lãnh đạo phải xuống thôn, làng, phải trực tiếp gặp dân, nhất là các hộ nghèo, để vận động, hướng dẫn bà con cách làm ăn, xóa bỏ các hủ tục, không phá rừng làm rẫy, phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao… vào chăn nuôi, trồng trọt.
Đồng thời, cán bộ lãnh đạo ở cơ sở phải tập trung, tích cực trong chỉ đạo, điều hành; sự lãnh đạo, chỉ đạo đó phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, được triển khai thực hiện hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Và đó cũng chính là trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ lãnh đạo, đảng viên ở cơ sở. Muốn được như vậy, trước hết tập thể lãnh đạo ở địa phương phải thật sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo để phát triển kinh tế- xã hội, làm cho đời sống của người dân ở địa phương mình không ngừng được nâng lên.
Gần dân, sát dân, chăm lo cho dân không chỉ ở chuyện vận động, hướng dẫn người dân biết làm kinh tế, cải thiện cuộc sống mà mỗi cán bộ lãnh đạo ở cơ sở cũng phải thật sự quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là trong việc chăm lo bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc của mỗi dân tộc đang sinh sống tại địa phương mình.
Bởi vậy, trong các chuyến đi công tác vừa qua, đến nơi nào, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng quan tâm và nhắc nhở cấp ủy, chính quyền xã phải thật sự có định hướng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn, nhất là việc duy trì, bảo tồn văn hóa cồng chiêng; mở các lớp dạy cồng chiêng; thành lập các đội cồng chiêng của cộng đồng và sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các ngày lễ, hội.
Gần dân, sát dân đã trở thành phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, định hướng cho những suy nghĩ, hành động, việc làm thiết thực, cụ thể của cán bộ, đảng viên đến với từng giai tầng xã hội.
Và phong cách làm việc đó cũng đã được Đảng ta coi trọng. Thực tế cho thấy, sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và giữa nhân dân với Đảng. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần thường xuyên tiếp xúc, làm việc với quần chúng nhân dân, hòa mình vào những hoạt động thực tiễn phong phú, đa dạng, để lắng nghe những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của quần chúng để thấu hiểu, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của họ. Và khi mỗi cán bộ, đảng viên biết gần dân, sâu sát nhân dân sẽ là nhân tố góp phần tạo nên mọi sức mạnh của Đảng, để lãnh đạo nhân dân, dân tộc thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng.
Dương Đức Nhuận