Bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội và tất cả các đối tượng đều chịu ảnh hưởng, trong đó có trẻ em. Chính vì vậy, Tháng hành động vì trẻ em năm nay đề ra mục tiêu là bảo vệ trẻ em trước tác động của dịch bệnh, thiên tai.
Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hàng năm nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Thông qua đó, tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, gia đình và cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; thực hiện tốt các chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em…
Năm nay, Tháng hành động vì trẻ em diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Dịch bệnh khiến nhiều em nhỏ trở thành F0, F1 phải cách ly xa gia đình để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc bố mẹ, người lớn bị cách ly khiến nhiều trẻ em phải tự chăm lo cho bản thân. Bên cạnh đó, một số trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn bởi bố mẹ không có việc làm hoặc tạm thời nghỉ việc, giảm thu nhập do những tác động của dịch bệnh nên trẻ em cũng bị giảm chế độ chăm sóc từ gia đình. Hay đơn giản là những quyền, nhu cầu được vui chơi, giải trí của trẻ em cũng bị hạn chế bởi dịch bệnh.
Chính vì vậy, việc bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ em trước những tác động của dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ được các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Đây cũng chính là thông điệp hành động mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 diễn ra từ ngày 01-30/6 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai dịch bệnh”.
|
Tại tỉnh ta, ngày 4/5/2021, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 1391/KH-UBND về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021. Đây chính là đợt cao điểm các ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền cho trẻ em và gia đình về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, tập trung vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn tài chính để xây dựng và phát triển Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp; động viên, giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em khó khăn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Chăm sóc sức khỏe và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị bệnh bẩm sinh, bệnh hiểm nghèo; tổ chức thăm tặng quà và giúp đỡ trẻ em bị khuyết tật, mồ côi, lang thang cơ nhỡ, trẻ em tự lao động kiếm sống. Tháng hành động cũng gắn với việc thực hiện mùa hè an toàn với những hoạt động ngăn ngừa giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông cho trẻ em.
Phải khẳng định rằng, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn là nhiệm vụ được Nhà nước, Chính phủ quan tâm, các ngành, địa phương và cả xã hội tích cực chăm lo, thực hiện. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cũng ngày càng được hoàn thiện, đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Trong khó khăn, dịch bệnh trẻ em càng được quan tâm, bảo vệ nhiều hơn.
Đơn cử như, mới đây Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0-16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung và phải cách ly y tế tập trung, theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức hỗ trợ 80 nghìn đồng/ngày/cháu trong 21 ngày. Chính sách này được áp dụng từ ngày 27/4 – 3/12/2021, nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Đối với Kon Tum, những năm qua công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, tập trung chỉ đạo, thực hiện. Các giải pháp, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em được triển khai đồng bộ, kịp thời và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đạt chất lượng phổ cập tiểu học, trung học cơ sở; 100% xã đạt phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Toàn tỉnh có 51 xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; có 42 mô hình bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; 21 mô hình câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em. Toàn tỉnh cũng có gần 2.400 trẻ em mồ côi và khuyết tật được hưởng chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được quan tâm.
Các tổ chức, cá nhân ngày càng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quy trình bảo vệ, can thiệp và trợ giúp trẻ em. Công tác truyền thông được tăng cường, qua đó nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội về công tác bảo vệ trẻ em; huy động nhiều hơn các nguồn lực trong xã hội hỗ trợ thực hiện các mục tiêu vì trẻ em.
Dẫu vậy, thực tế cho thấy, trước thiên tai, dịch bệnh, trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, vì vậy, việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ trẻ em để xây dựng một môi trường sống an toàn, khỏe mạnh là vấn đề càng được quan tâm nhiều hơn. Bởi, trẻ em hôm nay là tương lai của đất nước, là thế giới ngày mai.
Thùy Hương