Bao giờ cuộc chiến chống pháo lậu có hồi kết?
Hàng năm, cứ đến dịp giáp Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu qua biên giới - nơi tiếp giáp giữa Kon Tum với các tỉnh của các nước Lào và Campuchia nói chung, vận chuyển, buôn lậu pháo nổ nói riêng lại diễn biến phức tạp. Năm nay, tình trạng vận chuyển, buôn lậu pháo nổ có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn các năm trước...
Trong thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển, buôn lậu pháo nổ diễn biến phức tạp; không những gia tăng về số vụ vận chuyển, mà còn gia tăng về số lượng, đối tượng hoạt động với tính chất ngày càng nghiêm trọng và tinh vi hơn.
Nếu như những năm trước đây, các vụ vận chuyển, mua bán pháo nổ trái pháp luật chỉ xuất hiện rải rác, nhỏ lẻ, thì nay có nơi còn hình thành những tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển từ biên giới đến nội địa.
Theo báo cáo, từ quý III/2017 đến hết ngày 23/1/2018, các đơn vị của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện và bắt giữ trên 2.770kg pháo nổ các loại.
Trong đợt cao điểm từ ngày 16/12/2017 đến 15/1/2018, các đơn vị chức năng của Công an tỉnh phát hiện 11 vụ - 7 đối tượng vận chuyển trái pháp luật pháo nổ, thu giữ trên 690kg pháo các loại. Qua vận động của lực lượng công an, nhân dân còn tự nguyện giao nộp trên 53kg pháo nổ…
Đây quả là một con số đáng báo động về tình hình vận chuyển, buôn bán trái pháp luật pháo nổ.
Vậy pháo lậu từ đâu mà có, xuất hiện tràn lan trên thị trường đen của tỉnh, rồi từ đó vận chuyển sang các địa phương khác?
Qua xác định của các cơ quan chức năng, nguồn cung cấp pháo lậu chủ yếu là từ nước ngoài về Việt Nam. Trong khi đó đường biên giới tiếp giáp giữa tỉnh ta và hai nước bạn Lào - Campuchia, lại rất dài, ngoài Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, con đường chính thông thương giữa Việt Nam và Lào, còn có hàng trăm đường tiểu ngạch, lối mòn tự mở, nên lực lượng chức năng không thể nào kiểm soát nổi.
Thêm vào đó, thủ đoạn vận chuyển pháo lậu của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Để che mắt lực lượng chức năng, chúng lên tục thay đổi phương thức vận chuyển, địa điểm giao nhận hàng…, nếu bị phát hiện, chúng bỏ hàng lại chạy thoát thân và lập tức thay đổi ngay phương thức hoạt động.
Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu pháo nổ không trực tiếp vận chuyển mà bỏ tiền ra thuê người dân lao động sống khu vực biên giới vận chuyển qua những nơi có sự kiểm soát cơ quan chức năng…
Thời gian vừa qua, hầu hết số lượng pháo nổ thẩm lậu mà lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện ngay khu vực biên giới đều vô chủ; hoặc là những đối tượng bị bắt giữ chỉ là người vận chuyển thuê. Vì vậy, việc xử lý triệt để các hành vi buôn lậu pháo nổ gặp rất nhiều khó khăn.
Vì lợi nhuận từ buôn lậu pháo nổ khá cao, nên các đối tượng buôn lậu sử dụng chiêu “bỏ của chạy lấy người” để không bị xử lý; vì chúng biết rằng chỉ cần có thể tiếp tục vận chuyển pháo lậu là không những bù đắp cho số hàng lậu bị bắt kia mà thu lãi rất nhiều lần. Và tất nhiên, tình hình buôn lậu pháo nổ vì thế vẫn tiếp tục diễn ra, lần sau số lượng pháo lậu nhiều hơn lần trước, với mục đích để “bù lại” khoản thiếu hụt mà đối tượng đã bị mất trước đó.
Không chỉ gặp khó khăn trong xác định đối tượng xử lý, các ngành chức năng còn vấp phải sự thiếu đồng bộ, không thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật, trong hướng dẫn xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ.
Nghị định 167/CP/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định mức phạt hành chính cho hành vi buôn lậu pháo nổ cao nhất là 40 triệu đồng (đối với hành vi mang vào hoặc ra lãnh thổ Việt Nam); còn hành vi trao đổi, mua bán, sử dụng trái phép bình thường các loại pháo chỉ bị phạt đến 4 triệu đồng. Điều đó chưa đủ sức răn đe đối với hành vi nguy hiểm này.
Thực tế, trong số vụ buôn lậu pháo nổ bị phát hiện trên địa bàn tỉnh, con số bị xử lý hành chính chỉ được đếm trên đầu ngón tay, còn xử lý về hình sự thì hầu như chưa có vụ nào.
Đại tá Nguyễn Văn Thắng - Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: Muốn truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng buôn lậu pháo nổ phải tiến hành giám định lượng thuốc nổ có trong pháo, phải đủ định lượng theo quy định của pháp luật; trong khi đó, thời gian giám định lại lâu và rất tốn kém. Hơn nữa, còn sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong các văn bản hướng dẫn về định lượng thuốc nổ có trong pháo hay định lượng về số lượng, trọng lượng pháo nổ…, nên việc xử lý các đối tượng này gặp không ít khó khăn.
Một vướng mắc nữa trong việc giải quyết vấn nạn thẩm lậu pháo nổ, đó là sự thiếu đồng bộ trong phối hợp, hiệp đồng, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý, bàn bạc, đưa ra các biện pháp nhằm phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả hơn tình trạng vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ.
Do đó, các lực lượng chức năng như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, những lực lượng trực tiếp đấu tranh, ngăn chặn vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, lại thiếu các thông tin về tình hình hoạt động của loại tội phạm này. Và khi đơn vị này phát hiện, bắt giữ thì cũng không thông báo cho các đơn vị kia biết để kịp thời hiệp đồng, phối hợp ngăn chặn, triệt tiêu các hướng vận chuyển pháo lậu hay bàn bạc xử lý. Có chăng chỉ là những “thông báo” về số vụ, số lượng đã bị bắt giữ trong các buổi giao ban định kỳ giữa các ngành…
Hiểm họa từ pháo nổ không hề nhỏ, thậm chí nó còn là nguyên nhân dẫn đến hệ lụy khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép thuốc nổ, vật liệu nổ, mà hậu quả để lại của nó thật khôn lường. Vì vậy, bên cạnh cần có một hành lang pháp lý thống nhất, rất cần sự chỉ đạo kịp thời cũng như sự đồng bộ, thống nhất của các ngành chức năng trong phát hiện, xử lý có hiệu quả, kịp thời các hành vi buôn lậu pháo nổ.
Dương Đức Nhuận