Bài học vì nước, vì dân
Cứ vào những ngày tháng Tư lịch sử, trong lòng mỗi người dân Việt Nam lại dâng lên niềm xúc động, tự hào. Và, càng xúc động, tự hào bao nhiêu, chúng ta càng phải suy ngẫm thấu đáo lời dạy chí tình của Bác: một dân tộc, một tập thể, một con người hôm qua là anh hùng, không nhất thiết hôm nay vẫn được nhân dân ngưỡng mộ và kính trọng, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu thoái hóa biến chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân và xa rời nhân dân.
1. Trong những ngày tháng Tư lịch sử, tôi may mắn khi gặp cựu chiến binh Đào Xuân Quí (sinh năm 1953) từ phường Phú Mỹ, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh cùng với 3 cựu chiến binh khác từ Hà Nội, Lâm Đồng về thăm lại chiến trường xưa Kon Tum. Các bác đến thăm vùng đất Đăk Tô – Tân Cảnh, đến thăm khu vực sân bay ở thành phố Kon Tum… mà trong thời kỳ chiến tranh các bác đóng quân ở hàng tháng trời.
Những kỷ niệm xưa, những ánh mắt đồng đội, hình ảnh những vạt cây rừng nham nhở sau mỗi trận mưa bom bão đạn… như những thước phim quay chậm khiến các bác không khỏi bồi hồi, xúc động.
Khi ấy, các bác là những chàng trai mới ở lứa tuổi đôi mươi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hành quân dọc theo đường Hồ Chí Minh từ Quảng Bình vào Kon Tum tham gia các trận đánh. Không ngại khó khăn, không ngại gian khổ, các bác với quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”. Ai ai cũng anh dũng chiến đấu, chỉ mong sao đất nước sớm độc lập, kết trái tự do.
Bác kể lại rằng, khi ấy bác là chiến sĩ ở Trung đoàn 141. Trong những tháng ngày chiến đấu ở Kon Tum, bác đã được nghe nhiều câu chuyện kể về tinh thần vì nước, vì dân của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Họ đã không ngừng nỗ lực xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng lực lượng cơ sở chính trị ở Kon Tum ngày càng vững mạnh; liên tục đánh địch trên tất cả các mặt chính trị, vũ trang, binh vận và tiếp tục tiến lên, đi đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng Kon Tum, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cũng từ đó, những tên núi, tên sông, tên đất, tên làng, tên người gắn liền với những trận đánh, những chiến công vang dội ở Kon Tum đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc: Chiến thắng Măng Đen - Măng Bút - Kon Praih tháng 1/1954, chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh hè 1972 rực lửa; Khu trù mật Trung Tín; xã anh hùng Đăk Ui (Đăk Hà); làng kháng chiến Xốp Dùi (xã Xốp, Đăk Glei); Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – liệt sĩ Trần Văn Hai; Anh hùng lực lượng vũ trang Thanh Minh Tám…
Và chính trong những tháng ngày đó, những cán bộ, đảng viên, những chiến sĩ công tác, chiến đấu ở Kon Tum như bác đã nhận được sự tin yêu, đùm bọc, chia sẻ của người dân. Và bác cũng hiểu rằng, người dân Kon Tum với truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước đã chi viện sức người, sức của cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cuả dân tộc, trực tiếp chiến đấu ngăn chặn âm mưu của kẻ thù cắt đứt tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử.
2. Không chỉ biết đánh giặc giỏi và lãnh đạo nhân dân đánh giặc giỏi; những cán bộ, đảng viên – những con người vì nước, vì dân còn biết làm kinh tế giỏi và lãnh đạo nhân dân làm kinh tế giỏi. Thời đại nào cũng sinh ra những người con của Đảng biết vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Trong chiến tranh, những cán bộ, đảng viên không quản ngại gian khó, sẵn sàng hy sinh thân mình để đất nước có ngày nở hoa độc lập, kết trái tự do. Trong thiếu thốn và gian khó của những ngày sau chiến tranh, những cán bộ, đảng viên lại vật lộn với gió mưa khai hoang mở đất, với “mo cơm, quả cà, tấm lòng cộng sản”, với khát vọng “thay trời, đổi đất, sắp đặt lại giang sơn”. Trong thời kỳ đổi mới, hàng loạt cán bộ, đảng viên đã đưa ra những ý tưởng, xây dựng những mô hình, triển khai những cách làm hay mang lại lợi ích cho nhân dân…
Những cán bộ, đảng viên ấy, dù ở thời nào cũng đều cho rằng, không sống gần dân thì không hiểu được dân. Muốn dân ấm, dân no, dân tin thì người cán bộ, đảng viên phải vì nước, vì dân, phải hiểu dân, tin dân hơn ai hết.
Nên càng tự hào với truyền thống hào hùng dân tộc bao nhiêu thì chúng ta càng đau xót khi bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên hết lòng vì nước, vì dân như vậy thì vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được nhân dân tin tưởng, giao phó để tham ô, tham nhũng, vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Họ quan liêu, vô cảm trước những khó khăn của nhân dân. Câu chuyện về lối sống xa hoa với những biệt phủ, những quan tham; những tổn thất ghê gớm từ những vụ trọng án kinh tế gây ra trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, từ mất dân chủ, không dám đấu tranh và từ thiếu tinh thần vì nước, vì dân.
Người dân nhìn vào lối sống cán bộ, đảng viên như một tấm gương soi về đạo đức, văn minh, gần dân hay ngược lại. Những người sống hưởng thụ, cá nhân, cơ hội đã trực tiếp làm mất uy tín của Đảng. Lối sống hưởng thụ sinh ra tham nhũng, tham nhũng sinh ra lối sống hưởng thụ. Chính những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị vì dân đó đã làm cho nhân dân mất niềm tin.
Nhớ lại không khí hào hùng của ngày 30/4 lịch sử, nhớ lại những lời căn dặn của Bác: “Cán bộ, đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ hết sức trung thành của nhân dân”. Vì nước, vì dân luôn phải là mục tiêu cao quý nhất mà mỗi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu thực hiện cho kỳ được để xứng đáng với những hy sinh, sự cống hiến của thế hệ đi trước.
Không ai hiểu được bản chất con người mình bằng chính mình. Kiểm soát hành vi của mình tốt hay không là nhờ ý chí, bản lĩnh và sự tu dưỡng không ngừng của mỗi người theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Làm tốt được điều đó cũng có nghĩa là mỗi chúng ta đã góp phần bảo vệ và phát huy giá trị, ý nghĩa của nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nguyên Phúc