Bài ca không quên
Xin được mượn tiêu đề nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn để đặt tên cho bài viết của mình. Bài hát mãi nằm trong niềm nhớ của cả thế hệ với giai điệu tha thiết, ca từ sâu lắng đã vẽ lên một bức tranh liên hoàn về tình đồng đội, về nghĩa đồng bào, về hình ảnh người chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên. Bài ca không quên ấy không chỉ là những kỷ niệm đẹp của tình người mà còn là ký ức đớn đau, mất mát trong cuộc chiến tranh gian khổ triền miên.
Bài ca không bao giờ quên ấy với bao thương binh, bệnh binh, người có công, là cảnh những cánh rừng lụi tàn vì chất độc hóa học, hố bom chồng chéo hố bom, là bao lần tiễn đưa đồng đội giữa rừng già… Mãi không thể nào quên vì cùng với “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, thì vẫn còn đó những “nỗi buồn chiến tranh’, “chiến tranh đâu phải trò đùa”, “mỗi bước đường mỗi bước hy sinh” hay “vết chân tròn trên cát”, “ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ”…
Bài ca không quên ấy là sau 42 năm chiến tranh đã trôi qua trong niềm vui chiến thắng và niềm tự hào của dân tộc, nhưng còn đó những nỗi đau mang tên chiến tranh không dễ gì bù đắp được. Vẫn còn đó những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người con vĩnh viễn không được gặp mặt cha, những di chứng chất độc da cam để lại tới thế hệ thứ hai, thứ ba… Vẫn còn đó những nấm mộ liệt sĩ vô danh rải rác nơi biên giới. Vẫn còn đó những người trong đoàn quân trùng trùng ra trận nay sống sót trở về tóc đã pha sương, sức khỏe giảm sút vì những vết thương in hằn trên thịt da, buốt nhói mỗi khi trái gió trở trời…
Sao có thể quên được khi trên địa bàn tỉnh có tới 10 nghĩa trang liệt sĩ là chứng nhân của những vùng đất anh hùng bất khuất trong kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc. Ở 10 nghĩa trang ấy có tới 7.078 mộ liệt sĩ được an táng và trong số đó có không ít phần mộ vẫn chưa xác định được danh tính liệt sĩ… Cũng không thể nào quên được khi trên địa bàn tỉnh có tới 40 nghìn người có công - một con số không hề nhỏ so với tổng số dân 500 nghìn người - và trong số đó có gần 6 nghìn người đang hưởng trợ cấp hàng tháng với kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi khoảng 160 tỷ đồng/năm…
Cũng sao có thể quên được sự hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ cha anh để hôm nay chúng ta có được những giây phút bình yên, có được những bát cơm đầy trên cánh đồng độc lập, tự do, hạnh phúc.
Mỗi người vì thế luôn tự thầm nhắc nhủ mình về một “Bài ca không quên”. Bài ca không quên ấy thể hiện trong mỗi việc làm, mỗi hành động. Bài ca không quên ấy để mỗi người tự thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn, xứng đáng hơn với máu xương của những người ngã xuống… Vì ngay cả những thương binh, bệnh binh từ chiến trường trở về, hôm nay, họ tiếp tục sống một cách trách nhiệm, trở thành chiến sĩ kiên trung trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, dựng xây Tổ quốc. Vì ngay cả những gia đình người có công, dù chịu nhiều thiệt thòi nhưng họ vẫn không một lời ca thán, phát huy truyền thống trở thành những tấm gương cho cộng đồng xung quanh cùng học tập.
Ngày 27/7 – cũng vì thế luôn mang lại nhiều cảm xúc và ý nghĩa. Khúc tưởng niệm và tri ân những anh hùng liệt sĩ càng thêm rực cháy trong lòng mỗi người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mỗi người mỗi việc: thăm hỏi, tặng quà người có công, làm tốt hậu phương quân đội, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ, giúp các gia đình chính sách cải tạo nhà ở, có điều kiện sản xuất, tăng thu nhập, chăm sóc, đỡ đầu thương binh, thân nhân liệt sĩ neo đơn…
Và, với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay cũng gần như song hành với chặng đường hơn 70 năm độc lập tự do của một dân tộc, một quốc gia càng khiến cho mỗi chúng ta nhận thức rõ hơn về sự kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha ông. Quá khứ là nền móng vững chắc cho hiện tại và tương lai. Chúng ta vì thế luôn trân trọng quá khứ, biết ơn và bày tỏ tấm lòng thành kính, sự tri ân để hiểu hơn những gì đang có; để ý thức được những điều cần làm và phải làm; để sống sao cho có trách nhiệm, không hổ thẹn với sự hy sinh của thế hệ đi trước.
Bài ca ấy mãi chúng ta không bao giờ quên là thế!
Liễu Hạnh