Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2023
Chiều 31/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình MQTG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2023. Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
|
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo UBND các xã mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 và đại diện các chủ thể có sản phẩm OCOP tiêu biểu đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên của tỉnh.
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tại Hội nghị, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan đã ban hành các văn bản để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy định của Trung ương và triển khai các nội dung của Chương trình. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương chủ động triển khai thực hiện.
Hệ thống bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình các cấp được kiện toàn, thành lập. Công tác truyền thông phục vụ Chương trình tiếp tục được đẩy mạnh với kế hoạch thực hiện cụ thể. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới được chú trọng triển khai, đã tổ chức 4 Hội nghị tập huấn với 434 lượt người tham dự.
Các Chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 như: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự; phát triển du lịch nông thôn; chuyển đổi số; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai hiệu quả, đúng quy định, tác động tích cực và góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cho các địa phương.
Trong năm 2022, tổng nguồn lực toàn tỉnh huy động để thực hiện Chương trình khoảng 621 tỷ đồng; trong đó có 11,5 tỷ đồng huy động từ nhân dân (chủ yếu là nhân công, hiến đất, vật kiến trúc).
Đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 42/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới (trong đó, có 36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới); có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân toàn tỉnh đạt 15,76 tiêu chí/xã. Về xây dựng thôn (làng) nông thôn mới, toàn tỉnh có 7 thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu, 19 thôn tại các xã đặc biệt khó khăn, biên giới được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới; đối với các thôn (làng) vùng đồng bào DTTS thực hiện điểm xây dựng thôn nông thôn mới giai đoạn 2022-2023 đã cơ bản đạt chuẩn từ 5/10 tiêu chí trở lên; riêng thôn điểm cấp tỉnh là thôn Làng Mới (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei) đã cơ bản đạt chuẩn 6/10 tiêu chí.
Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh có có 205 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá phân hạng), 16 sản phẩm đạt 4 sao và 182 sản phẩm 3 sao.
Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã có số tiêu chí đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí; các xã mỗi năm đạt thêm từ 1-2 tiêu chí; thành phố Kon Tum hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 95 số thôn (làng) vùng đồng bào DTTS thực hiện điểm tại các cấp (tỉnh, huyện, xã) giai đoạn 2022-2023 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình trong thời gian tới.
|
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và đạt các mục tiêu đề ra, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố cần tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới; chủ động, xây dựng kế hoạch cụ thể để có giải pháp phối hợp hoàn thành các tiêu chí chưa đạt; mặt trận và các đoàn thể tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình; đối với Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai rà soát, tham mưu để UBND tỉnh giao chỉ tiêu sản phẩm OCOP hằng năm phù hợp với điều kiện, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương.
Đức Thành