Triển khai công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Sáng 2/8, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thứ nhất Ban chỉ đạo ATTP tỉnh chủ trì Hội nghị.
|
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh chỉ đạo tích cực, lực lượng chức năng và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc.
Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân thực hiện các quy định về ATTP; thông tin kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP.
Các địa phương, đơn vị của tỉnh tiếp tục duy trì 14 chuỗi liên kết nông thủy sản, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; tập trung xây dựng mô hình “ATTP gắn với du lịch cộng đồng tại làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum”.
Các ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP.
Theo đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 10 cuộc kiểm tra, thẩm định đối với 70 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh nông thủy sản; ngành Y tế tỉnh thực hiện kiểm tra 117 cơ sở; Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra 19 cơ sở; Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an tỉnh tổ chức 6 đợt kiểm tra đột xuất với 6 cơ sở; các xã, huyện, thành phố tổ chức kiểm tra 3.691 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống. Qua đó, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 38 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP với số tiền phạt 161,6 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra; toàn tỉnh chỉ có 26 ca ngộ độc lẻ tẻ, nguyên nhân do ăn uống thực phẩm không bảo đảm vệ sinh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế công tác đảm bảo ATTP của tỉnh còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Bởi, đa số cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, hộ gia đình, sản xuất; một số nhà bếp tập thể chưa đảm bảo theo nguyên tắc một chiều; cán bộ y tế tại các trường có bếp ăn tập thể còn thiếu...
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đảm bảo ATTP, thời gian tới, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng, địa phương đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP; quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ; tổ chức kiểm tra theo trọng điểm dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích nguy cơ ATTP; triển khai xây dựng mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn; thực hiện Đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum...
Tại Hội nghị các sở, ngành, địa phương tích cực tham gia tham luận, chia sẻ về kết quả, kinh nghiệm trong việc đảm bảo ATTP; đồng thời, chỉ rõ tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Y Ngọc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thứ nhất Ban chỉ đạo ATTP tỉnh lưu ý, mặc dù tình hình ATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua tương đối ổn định, tuy nhiên không được chủ quan, lơ là.
Đồng chí Y Ngọc đề nghị, các thành viên Ban chỉ đạo Liên ngành ATTP tỉnh phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm; tăng cường phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực ATTP; trong đó, lưu ý kiểm tra, quản lý đối với các đơn vị đầu mối cung ứng, tiêu thụ thực phẩm. Đồng thời, thực hiện giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về ATTP; công khai rộng rãi số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin về ATTP.
Các địa phương tăng cường quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở vùng sâu, vùng xa, hàng quán vỉa hè, thức ăn đường phố.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, truyên truyền nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể trường học, bệnh viện, cụm công nghiệp; thông tin các điểm bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn; hướng dẫn người dân lựa chọn các sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, thực hiện ăn chín, uống chín.
Thùy Hương