Tổng kết công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Ngày 6/7, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 5 năm (2010-2015) công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phương hướng nhiệm vụ 2016-2020.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
|
Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Tuy- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, 5 năm qua (2010-2015), cả nước đã huy động được tổng nguồn vốn cho xây dựng, bảo trì đường giao thông nông thôn (GTNT) lên đến hơn 186 nghìn tỷ đồng, trong đó phong trào nhân dân tham gia xây dựng đường GTNT phát triển mạnh với tổng số tiền người dân đóng góp hơn 27 nghìn tỷ đồng và hiến hơn 3.300ha đất cùng 7,8 triệu ngày công lao động để làm đường.
Cả nước cũng xây dựng mới được hơn 47.000km đường, mở mới hơn 61.000km đường thôn xóm bằng vật liệu tại chỗ và xây dựng mới được 15.474 cầu, sửa chữa 11.503 cầu.
Đến nay, hệ thống GTNT cả nước được cứng hóa đạt gần 45%, giảm số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm từ 149 xã (năm 2010) còn 65 xã (năm 2014). Đến tháng 5/2015, cả nước đã có 2.239 xã, bằng 25,1% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới...
Riêng tại địa bàn Kon Tum, trong 5 năm (2010-2015) tỉnh đã huy động được nguồn lực đầu tư cho xây dựng giao thông là hơn 7.000 tỷ đồng; trong đó, huy động từ nhân dân và của xã hội được hơn 100 tỷ đồng, số tiền còn lại từ ngân sách Trung ương, địa phương và vốn ODA. Hiện toàn tỉnh có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận và biểu dương những cố gắng của Bộ GTVT, các tỉnh, thành trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn. Phó Thủ tướng đồng ý với 9 giải pháp của Bộ GTVT đã đề ra. Tuy nhiên, để xây dựng thành công chương trình nông thôn mới, trong có tiêu chí giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần huy động mọi nguồn lực, thực hiện lồng ghép vốn chương trình mục tiêu quốc gia và tranh thủ nguồn vốn khác để xây dựng đường giao thông; các tỉnh phải chủ động bố trí vốn để phối hợp xây dựng đường giao thông nhưng ở địa phương nghèo thì nghiêm cấm việc huy động từ hộ nghèo; tiếp tục vận động người dân vào cuộc, việc gì của dân thì giao cho dân làm; cấp ủy địa phương và các tổ chức chính trị- xã hội vào cuộc, nhất là người đứng đầu quan tâm chỉ đạo, đặc biệt đưa một số chỉ tiêu về giao thông và các giải pháp vào nghị quyết đại hội Đảng sắp tới, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình, công khai minh bạch, khen chê rõ ràng trong phong trào làm đường giao thông... để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong cả nước...
Văn Phương