Tổng điều tra dân số và nhà ở bắt đầu từ ngày 01/4/2019
Chiều 13/3, Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (gọi tắt là Ban chỉ đạo) tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Dự Hội nghị có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, huyện và thành phố.
|
Đến nay, Ban chỉ đạo Trung ương đã hoàn thiện 2 loại phiếu hỏi Tổng điều tra là Phiếu điều tra toàn bộ gồm 22 câu hỏi (sử dụng để hỏi toàn bộ dân số) và Phiếu điều tra mẫu gồm 65 câu hỏi (sử dụng để hỏi bổ sung thông tin phiếu điều tra toàn bộ tại các hộ mẫu được chọn); biên soạn tài liệu hướng dẫn gửi các địa phương phục vụ công tác tập huấn và thực hiện Tổng điều tra; phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) hoàn thiện kịch bản phim và bộ phim hướng dẫn điều tra viên thống kê thực hiện phỏng vấn và ghi chép thông tin; thiết lập mạng lưới điều tra và lập Bảng kê hộ dân cư; danh sách địa bàn điều tra… Đồng thời, đã tổ chức hàng ngàn hội nghị tập huấn về nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin; tập huấn về công tác quản lý và lập Bảng kê hộ; tập huấn về công tác phân chia địa bàn điều tra và vẽ sơ đồ nền xã/phường/thị trấn tại các cấp.
Các chương trình phần mềm ứng dụng phục vụ cho Tổng điều tra cũng được xây dựng như: Chương trình quản lý tác nghiệp để quản lý và giám sát tiến độ triển khai các công việc chuẩn bị và thực hiện Tổng điều tra; chương trình quản lý mạng lưới điều tra để thực hiện phân quyền và quản lý người sử dụng, nhập và cập nhật danh sách địa bàn điều tra, sơ đồ điều tra, danh sách hộ dân cư đang cư trú trên các địa bàn điều tra; chương trình chọn mẫu hộ nhằm chọn hộ thuộc các địa bàn điều tra mẫu phục vụ điều tra thu thập thông tin phiếu dài; chương trình điều tra sử dụng trên thiết bị di động (CAPI); chương trình ghi mã ngành, mã nghề đã xây dựng để hỗ trợ Ban chỉ đạo cấp tỉnh mã hóa thông tin về ngành, nghề của đối tượng điều tra.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin được Tổng cục Thống kê nâng cấp để phục vụ Tổng điều tra nhằm đảm bảo việc sao lưu và xử lý số liệu điều tra trực tuyến và phiếu điện tử.
Các tỉnh ủy, thành ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản để chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ở các địa phương…
Hội nghị cũng nghe báo cáo tình hình thực hiện Tổng điều tra của 6 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Bình Dương, Hà Giang, Quảng Nam, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 3 bộ: Quốc Phòng, Công an, Ngoại giao nhằm đánh giá các ưu điểm, thách thức và đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc Tổng điều tra trên toàn quốc trong 25 ngày, bắt đầu từ thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá cao việc chuẩn bị tích cực cho cuộc Tổng điều tra của các cấp, bộ, ngành từ trung ương đến địa phương. Đồng chí đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, ban chỉ đạo các cấp tiếp tục quán triệt mục đích, yêu cầu, bối cảnh, quy mô của cuộc Tổng điều tra; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cuộc Tổng điều tra, nhằm đạt hiệu quả cao nhất; tiếp tục chuẩn bị tốt vấn đề kỹ thuật và con người; đảm bảo an ninh trong thời gian cuộc Tổng điều tra diễn ra, nhất là an ninh ở các địa phương có khác biệt về địa lý, vùng miền; báo cáo nhanh những phát sinh xảy ra để có hướng xử lý kịp thời để cuộc Tổng điều tra diễn ra một cách chính xác, an toàn tuyệt đối và có chất lượng. Đồng thời, báo cáo nhanh kết quả cuộc Tổng điều tra ở địa phương mình cho Ban chỉ đạo Trung ương vào ngày 26/4.
Tin, ảnh: Đức Thành