Thường trực HĐND tỉnh giám sát công tác bảo vệ môi trường và tiếp công dân tại UBND tỉnh
Sáng 2/7, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thế Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Tham dự buổi làm việc, tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh; các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.
Tham dự tại điểm cầu các huyện, thành phố Kon Tum có đại diện Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo UBND cấp xã và các đơn vị có liên quan đến các chuyên đề giám sát.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, số dự án đầu tư đã được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 30/30 dự án cấp tỉnh; số dự án/cơ sở sản xuất được cấp giấy phép môi trường cấp tỉnh 20 giấy phép, cấp huyện 40 giấy phép; số dự án/cơ sở sản xuất thực hiện đăng ký môi trường cấp xã 30 bản đăng ký.
|
Đến nay, có 19 cơ sở hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục; có 45 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 300 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý địa bàn tỉnh khoảng 86,8%; tỷ lệ chất thải xử lý đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường khoảng 60%...
Tuy vậy, vẫn còn tình trạng người dân xả rác thải sinh hoạt bừa bãi, còn lạm dụng các loại thuốc trừ sâu; tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa phương vẫn còn, gây bức xúc trong nhân dân; có 8 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; các khu đô thị, khu dân cư tập trung chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung... Hiện nay, còn 4 cơ sở y tế chưa đủ hồ sơ môi trường, 104 cơ sở y tế chưa có hệ thông xử lý nước thải.
Nguyên nhân chính là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp tại một số địa phương chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền địa phương chưa được hiệu quả. công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế; việc xử lý các vi phạm về môi trường, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa nghiêm, chưa được xử lý triệt để; ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và một bộ phận dân cư còn thấp.
|
Đối với công tác tiếp công dân, từ năm 2022 đến tháng 2/2024, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có 1.069 lượt/1.208 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Đồng thời, tiếp nhận 3.890 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, trong đó có 174 đơn khiếu nại tiếp, 112 đơn tố cáo, 3.604 đơn kiến nghị. Qua phân loại, có 2.142/3.890 đơn thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị của tỉnh giải quyết, chiếm tỷ lệ 55,06%, trong đó có 80 đơn khiếu nại, 7 đơn tố cáo, 2.055 đơn kiến nghị. Đến hết tháng 2/2024, đã giải quyết 76/80 đơn khiếu nại, đạt 95%; 7/7 đơn tố cáo, đạt 100%...
Tuy vậy, đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn còn phát sinh và tập trung ở lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án. Tỷ lệ đơn không thuộc thẩm quyền nhận được tại các cơ quan, đơn vị còn cao, chiếm tỷ lệ 43,29% tổng số đơn nhận được. Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các chính sách, pháp luật của nhà nước còn hạn chế nên có những trường hợp dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song người dân vẫn cố tình không chấp hành kết quả giải quyết đúng pháp luật và tiếp tục khiếu kiện; một số quy định pháp luật về quản lý kinh tế, tài chính, đất đai... còn nhiều vướng mắc, bất cập nên trong quá trình thực hiện có nhiều sai sót dẫn đến công dân có đơn khiếu nại, tố cáo; công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước, các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa đi vào chiều sâu, nhất là ở cơ sở.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố đã báo cáo, giải trình làm rõ một số nội dung được Đoàn giám sát quan tâm trong công tác bảo vệ môi trường như: Công tác quản lý nhà nước và đầu tư bảo vệ môi trường; về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; về lò đốt rác thải y tế; về kiểm tra, xử lý một số cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải...
Đối với công tác tiếp công dân, UBND tỉnh và một số sở, ngành đã báo cáo, giải trình làm rõ một số nội dung về trách nhiệm của các cơ quan trong công tác phối hợp xem xét, giải quyết đơn, thư; về tình trạng đơn thư khiếu nại về đất đai, tranh chấp đất đai do lịch sử để lại; về nguồn lực để xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại của công dân; về xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến; xây dựng kế hoạch tiếp công dân; về thanh tra, rà soát lại một số vụ việc khiếu nại; về mức chi cho cán bộ, công chức các cấp tham gia công tác tiếp công dân...
|
Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải đề nghị UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố, các cấp, các ngành cần phải thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật về môi trường; cần quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh về bảo vệ môi trường; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường.
Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã cần quan tâm xem xét, giải quyết dứt điểm các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân ngay từ cơ sở, không để khiếu nại, tố cáo vượt cấp...
Trước đó, Đoàn giám đã giám sát trực tiếp tại một số huyện, thành phố Kon Tum và các sở, ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Tài Lương