Sơ kết thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”
Chiều 9/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
|
Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện ủy, thành ủy.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị, qua 2 năm thực hiện, Cuộc vận động đi vào cuộc sống của đồng bào DTTS, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tham gia. Việc thực hiện Cuộc vận động đã xây dựng các mô hình điểm, tạo ra sức lan toả đối với các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS. Theo đó, có 12.307 hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (chiếm trên 50%) đã thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo; có 25.035 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo (đạt tỷ lệ 99,04%) được tuyên truyền, phổ biến về nội dung Cuộc vận động; cuối năm 2022, có 6.115 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra.
Tại Hội nghị, một số địa phương, đơn vị đã báo cáo tham luận, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo, tạo được chuyển biến rõ nét trong triển khai Cuộc vận động; đề ra những giải pháp triển khai thực tế tại địa phương trong thời gian đến.
|
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa đề nghị: Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần đẩy mạnh vận động, tuyên truyền bà con nâng cao cảnh giác trước những xúi giục, dụ dỗ, không bán nông sản non cho dân buôn, thương lái vì đây là một hình thức của “tín dụng đen”; tập dần thói quen lấy ngắn nuôi dài để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; vận động bà con bỏ thói quen dùng thuốc trừ cỏ; tuyên truyền người dân không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, đồng thời khôi phục lại rượu men lá truyền thống của dân tộc mình; vận động, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tham gia hợp tác xã trên địa bàn.
|
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang ghi nhận những kết quả mà các cấp, các ngành đạt được sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động gắn với Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 18/2/2022 "về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS", Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 18/3/2022 "về tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp" của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chương trình, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; phân công cán bộ, đảng viên, cộng tác viên, cá nhân tiêu biểu trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS lựa chọn mô hình, cách thức sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo bền vững với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà", "mưa dầm thấm lâu", “cầm tay chỉ việc”… nhằm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của đồng bào DTTS.
Đồng chí đề nghị, các cấp, các ngành cần thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội với nội dung của Cuộc vận động, các phong trào, cuộc vận động khác do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động; huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng các mô hình thực hiện Cuộc vận động tại các địa phương, đơn vị gắn với chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi; tổ chức học tập để trao đổi kinh nghiệm triển khai Cuộc vận động giữa các địa phương trong tỉnh và cho các hộ nghèo tiếp xúc, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, kết nghĩa giúp đỡ nhau để ngày càng có nhiều mô hình hay; kịp thời biểu dương những tấm gương điển hình, người thật, việc thật để đồng bào học tập, noi theo.
Đồng chí nhấn mạnh, các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo", nhất là trong xây dựng nông thôn mới, bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh… Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS trong quản lý, bảo vệ các công trình phúc lợi xã hội do Nhà nước đầu tư để sử dụng lâu dài, bền vững; tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không tin, không làm theo sự kích động, xúi giục, lôi kéo của các thế lực thù địch, phản động, khi phát hiện những thông tin, đối tượng khả nghi thì phải kịp thời báo cho cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng biết để xử lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên sơ kết để đánh giá kết quả và biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả để Cuộc vận động thật sự đạt kết quả thực chất.
Văn Tùng