Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Ngày 28/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
|
Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Đình Thanh đã gửi văn bản tham gia ý kiến xây dựng luật.
Về hạn chế, yếu kém trong hoạt động đấu giá tài sản hiện nay; đại biểu rất quan tâm đến thực trạng: thủ tục về thay đổi đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản chưa được quy định đầy đủ, chặt chẽ; trình tự, thủ tục đấu giá có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, gây vướng mắc, khó khăn cho công tác quản lý, dễ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng có hành vi vi phạm; cơ chế hủy kết quả đấu giá của cơ quan có thẩm quyền trong một số trường hợp còn vướng mắc, chưa kịp thời;... Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập nêu trên, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị:
Thứ nhất, về tiền đặt trước để đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tại điểm b, khoản 13, Điều 1 dự thảo luật: dự kiến quy định tăng tỷ lệ tiền đặt trước "tối thiểu là 10%" theo đại biểu là không tăng tỷ lệ tiền đặt trước trong trường hợp này. Vì việc tăng tỷ lệ tiền đặt trước trong trường hợp này chưa phải là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng đầu cơ của các đối tượng mà vô hình trung lại gây khó khăn cho người có thu nhập thấp khi muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Với lý do đó, đại biểu đề nghị không tăng tỷ lệ tiền đặt trước trong trường hợp này, mà cần nghiên cứu bổ sung chế tài phạt tiền để ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.
Thứ hai, về hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá. Khoản 25, Điều 1 dự thảo Luật dự kiến quy định: Trường hợp kết quả đấu giá tài sản thi hành án bị hủy mà hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã được công chứng thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
|
Theo đại biểu, quy định như trên là chưa đủ. Vì, trường hợp này, nếu các bên không tự thỏa thuận việc hủy bỏ hợp đồng và cũng không yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng. Do đó, cần bổ sung thêm quy định "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng" trong trường hợp các bên không tự thỏa thuận việc hủy bỏ hợp đồng và cũng không yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng.
Thứ ba, về hủy kết quả bán đấu giá tài sản. Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, trong thực tế hoạt động đấu giá tái sản sau khi kết quả trúng đấu giá đã được phê duyệt, có nhiều trường hợp, người trúng đấu giá chậm ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá theo đề nghị của người có tài sản đấu giá, thậm chí không ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá theo đề nghị của người có tài sản đấu giá, dẫn đến hệ lụy xấu cho xã hội. Tuy nhiên, luật chưa quy định hủy kết quả bán đấu giá đối với trường hợp này. Do đó, đề nghị bổ sung vào dự thảo luật quy định hủy kết quả bán đấu giá trong trường hợp người trúng đấu giá không ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sau khi cuộc đấu giá kết thúc theo thời hạn đã được quy định trong Quy chế cuộc đấu giá.
Thứ tư, đại biểu thống nhất quan điểm bổ sung các quy định về đấu giá trực tuyến vào dự thảo luật, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự minh bạch, công khai; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản theo xu thế phát triển chung.
Hồ Nam