Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham gia ý kiến xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Ngày 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Đây là dự án luật rất quan trọng, tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân. Đây cũng là dự án luật khó, có nhiều chính sách mới, phức tạp, vẫn còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau.
Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum - Tô Văn Tám và 19 đại biểu Quốc hội cả nước phát biểu ý kiến và tranh luận về phạm vi điều chỉnh; Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập; Người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập; Xử lý thu nhập tài sản tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc;…
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum - Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 5 ý kiến vào dự án luật này về cơ quan kiểm soát thu nhập; Việc xử lý tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình hợp lý về nguồn gốc; Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Khái niệm tham nhũng của người có chức vụ quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi quy định tại khoản 1 Điều 3; Về trách nhiệm giải trình quy định tại khoản 1 Điều 5.
Về cơ quan kiểm soát thu nhập quy định tại Điều 30, đại biểu Tô Văn Tám tán thành với quy định, nhưng ở khoản 1 giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên ở địa phương. Theo đại biểu, nếu giao như thế liệu có quá tải với Thanh tra Chính phủ không? Thanh tra Chính phủ còn rất nhiều việc quan trọng khác nữa, bây giờ giao nhiệm vụ kiểm soát đến cả Giám đốc Sở thì liệu có quá nhiều, quá tải cho cơ quan Thanh tra Chính phủ hay không? Nếu giao cho Thanh tra Chính phủ cả Giám đốc Sở thì lại chưa phù hợp với tinh thần phân cấp trong quản lý hành chính hiện nay. Chính phủ đang chủ trương phân cấp, phân quyền, Thanh tra Chính phủ có ngành dọc, chỉ đạo nghiệp vụ từ ngành dọc, từ Thanh tra Chính phủ cho đến thanh tra các địa phương, nên quy định Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập đến Phó Chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên; Giám đốc Sở và tương đương thì giao cho Thanh tra tỉnh. Trong quá trình đó, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thanh tra cấp tỉnh làm nghiệp vụ này thì phù hợp hơn.
Về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 20 khoản 2 điểm d "Thành lập giữ chức vụ quản lý điều hành doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, thuộc lĩnh vực mà mình trước đây có trách nhiệm quản lý trong thời gian nhất định theo quy định của Chính phủ", tức là không cho những người này làm việc này. Theo đại biểu nên quy định thẳng là bao nhiêu thời gian chứ đừng giao Chính phủ, điều này luật có thể quy định trong bao nhiêu năm.
Hồ Nam