Hội thảo lần 2 Dự thảo sách Lịch sử công tác dân tộc tỉnh Kon Tum (1945-2017)
Ngày 20/9, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức Hội thảo lần 2 dự thảo sách Lịch sử công tác dân tộc tỉnh Kon Tum (1945-2017). Dự hội thảo có đại diện các sở ngành liên quan và Phòng Dân tộc các huyện, thành phố.
Bản thảo cuốn sách Lịch sử công tác dân tộc tỉnh Kon Tum (1945-2017) gồm có 229 trang; được cấu trúc theo 5 chương, phần kết luận và phần phụ lục. Chương mở đầu có 24 trang, nêu khái quát về các thành phần dân tộc, truyền thống yêu nước của các dân tộc tỉnh Kon Tum trước năm 1945; Chương I có 27 trang, phản ánh công tác dân tộc trong kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1946-1954); Chương II có 74 trang: công tác dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975); Chương III có 50 trang: công tác dân tộc trong thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh và bước đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (giai đoạn 1975-1991); Chương IV gồm 28 trang: công tác dân tộc tỉnh Kon Tum thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 1991-2017); Phần kết luận và bài học kinh nghiệm, phần phụ lục.
|
Việc thực hiện và xuất bản cuốn sách nhằm ghi lại những dấu ấn lịch sử, những thành tựu nổi bật trong quá trình xây dựng và trưởng thành của cơ quan làm công tác dân tộc và thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum; đồng thời, nhìn lại quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc của tỉnh qua các thời kỳ, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống của ngành, qua đó động viên đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ công tác dân tộc ở địa phương.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến quí báu để Ban biên soạn chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo cuốn sách trước khi trình lãnh đạo UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến cuối cùng trước khi in ấn và phát hành cuốn sách. Theo đó, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần cấu trúc lại các chương một cách hợp lý, ngắn gọn, câu từ súc tích, đi vào những vấn đề chính, tránh lan man, dàn trải, đồng thời nêu bật những thành tựu quan trọng qua các thời kỳ lịch sử của cơ quan làm công tác dân tộc; mặt khác, cần viết đúng tên các thành phần dân tộc, địa danh, tên người, tên gọi các sự kiện gắn liền với công tác dân tộc và các số liệu về diện tích, dân số… chính xác, đầy đủ, thống nhất trong toàn bộ cuốn sách.
Quang Định