Hội nghị về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019
Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
|
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ ngành và 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm 2019, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2019.
Tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018, trong đó, giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp.
Có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó 4 bộ, ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.
Nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến tháng 9/2019 cơ bản tương tự như các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Bên cạnh nguyên nhân do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu vướng mắc trong vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công là do việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài. Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Công tác giao kế hoạch chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ dự án. Các cấp, các ngành chưa thật sự vào cuộc, vai trò trách nhiệm chưa được đề cao...
Riêng về nguồn vốn ODA, nhiều dự án gặp vấn đề về thủ tục pháp lý, phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay dù đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân. Một số khác không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Trong đó, Bộ trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 4 hậu quả lớn do chậm giải ngân vốn đầu tư công làm hạn chế phát triển nền kinh tế. Do vậy, cần kiên quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trên cơ sở kết quả giải ngân những tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội mức vốn kế hoạch năm 2019 sát với khả năng thực hiện và giải ngân của từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (vốn trong nước) đến ngày 30 tháng 11 năm 2019 giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2019 được giao đầu năm (trừ những dự án mua sắm trang thiết bị) kiên quyết không bố trí kế hoạch năm 2020 để tập trung thực hiện hết số vốn kế hoạch năm 2019 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện các quy định về lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thiết kế dự toán xây dựng công trình, việc thành lập các ban quản lý chuyên ngành, ban quản lý khu vực và quản lý đầu tư xây dựng, về giấy phép xây dựng, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh; giao các cơ quan thanh tra, kiểm tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật; công khai và làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương gây chậm trễ trong việc giao vốn, chậm giải ngân; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cản trở, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong việc giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công…
LS