Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024
Sáng 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2024.
|
Dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương có đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Tư pháp đã quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thi hành án dân sự, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý… phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.
Kết quả công tác trong 6 tháng đầu năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, nổi bật là: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc phạm vi quản lý của ngành được Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành; công tác thẩm định VBQPPL được chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ; kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; thể chế trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả; hợp tác quốc tế về pháp luật đạt nhiều kết quả ấn tượng... Những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; việc triển khai một số nhiệm vụ còn chậm; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong một số lĩnh vực chưa kịp thời; vẫn còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng...
Tại Hội nghị, Bộ, ngành Tư pháp xác định nhiệm vụ cụ thể trong 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, chú trọng bám sát chủ trương, định hướng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp xác định tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch công tác đã ban hành; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp...; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao công tác tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2024 đóng góp rất quan trọng trong các lĩnh vực của xã hội.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ, ngành Tư pháp, thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra 6 tháng cuối năm 2024; chuẩn bị tốt các hội nghị triển khai pháp luật, có giải pháp cho địa phương về vướng mắc công nghệ thông tin, chuyển đổi số cần được quan tâm; đồng thời, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua.
Thanh Tú