Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW
Sáng 15/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
|
Tham dự, chỉ đạo và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: A Pớt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW; tập trung được nguồn lực, hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH.
Theo đó, việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong thời gian qua đã góp phần làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng. Đến nay, tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng, với hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24 ngàn lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; có gần 346 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng gần 142 ngàn căn nhà cho hộ nghèo. Ngoài ra, đồng vốn tín dụng chính sách còn góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”; tạo sự ổn định trong đời sống xã hội; xây dựng hàng triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Hội nghị dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận những vấn đề liên quan đến thực tế triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW tại các địa phương. Qua đó, làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số giải pháp nhằm triển khai quyết liệt hơn nữa tinh thần chỉ đạo của Trung ương, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, làm cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nước ta ngày càng đi vào thực chất.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao những kết quả đạt được qua 5 năm triển khai Chỉ thị số 40- CT/TW trong cả nước.
Đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng, chính việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW một cách đồng bộ, bài bản đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thể hiện sự quan tâm của Đảng với nhân dân; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới đã và đang đặt ra cho hoạt động tín dụng ngân hàng nói chung, hoạt động tín dụng chính sách nói riêng nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có bước đổi mới, hoàn thiện mạnh mẽ với sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Các bộ ngành Trung ương, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan rà soát tổng thể chính sách giảm nghèo, hoàn chỉnh khung pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp tín dụng, bảo đảm nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế- xã hội, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Lê Sang