Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19
Sáng 29/10, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống dịch Covid-19 nhằm nhìn nhận, đánh giá quá trình triển khai thực hiện công tác này trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương có Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia.
|
Tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trình bày tại Hội nghị, đại dịch Covid-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc); sau đó dịch bệnh nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ngày 5/5/2023, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế; đến thời điểm này thế giới ghi nhận trên 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có trên 6,9 triệu trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, trường hợp mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/1/2020. Tính đến nay, trải qua 2 giai đoạn chống dịch và 4 đợt bùng phát dịch, cả nước đã ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp mắc và trên 43.000 trường hợp tử vong; hơn 99% số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong giai đoạn 2020-2022.
Mặc dù dịch Covid-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử, diễn biến phức tạp, khó dự báo; tuy nhiên, với các quyết sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với diễn biến từng giai đoạn của dịch bệnh, trong thời gian ngắn Việt Nam đã làm chậm sự lây lan, ngăn chặn sự bùng phát và từng bước đẩy lùi được dịch bệnh. Hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.
Kết quả đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng và tạo thuận lợi cho kinh tế- xã hội phục hồi, khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thắng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hơn 3 năm phòng, chống dịch như: Công tác chỉ đạo điều hành có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, còn bị động; việc thực hiện một số biện pháp có lúc nóng vội, thiếu nhất quán, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi; công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi hoặc gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, chưa đáp ứng yêu cầu khi dịch bùng phát...
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, xác định những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đúc rút trong phòng, chống dịch, từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những sự kiện khẩn cấp y tế cộng đồng; đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế- xã hội.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thắng lợi của công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 là thắng lợi của nhân dân dưới sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư; sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, sự đồng hành của Quốc hội, sự phối hợp của MTTQ Việt Nam và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của chính quyền các cấp; đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Thành quả của công tác chống dịch đã tạo điều kiện để mở cửa, phát triển đất nước và đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội .
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương. Đồng thời, tri ân đối với sự đóng góp và hy sinh của các lược lượng tuyến đầu trong công cuộc phòng, chống dịch; chia sẻ với sự mất mát của các gia đình có người thân ra đi trong các đợt dịch Covid-19 xảy ra.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, về một số bài học trong công tác phòng, chống dịch đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hệ thống y tế để ứng phó với các tình huống bất thường của dịch bệnh; sự minh bạch trong công tác thông tin, tuyên truyền; thực hiện đồng bộ vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế...
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, các bộ, ngành địa phương phải luôn đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phòng chống dịch, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tồn tại trong công tác phòng, chống dịch. Quan tâm đầu tư cho hệ thống y tế, đảm bảo đủ năng lực đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh; nâng cao năng lực của đội ngũ y tế, các chính sách đảm bảo cho lực lượng tuyến đầu. Đồng thời, tiếp tục xử lý những tồn đọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và quan tâm tới những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là trẻ mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19 gây ra; khen thưởng, tôn vinh các tập thể đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch.
Thùy Hương