Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong tuần thứ ba của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Trong tuần làm việc thứ ba (từ 4-9/11) của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH tỉnh cùng ĐBQH cả nước đã tham gia 10 phiên làm việc ở Hội trường để tiến hành thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)...
|
Tại Phiên thảo luận về KT-XH, đại biểu Phạm Đình Thanh đã gửi văn bản tham gia 4 ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá làm rõ hơn những hạn chế, bất cập trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở; quan tâm đầu tư mạnh và đồng bộ hơn để xây dựng, nâng cao thật sự về chất lượng nguồn nhân lực; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, Đề án đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 152/NQ-CP, nhất là đối với nhóm đề án về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước đã gửi văn bản tham gia 3 ý kiến về việc chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động chưa thực sự đi vào cuộc sống; cần có những cơ chế đặc biệt, nâng cao phụ cấp trách nhiệm cho giáo viên các trường phổ thông dân tộc bán trú để kịp thời động viên, tạo điều kiện cho các thầy cô có thể tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người; nguồn nhân lực ngành y tế, đặc biệt là bác sĩ tuyến cơ sở còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.
Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến về hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển rừng.
|
Tại Phiên thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, đại biểu Phạm Đình Thanh đã gửi văn bản tham gia 5 ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh, quy định tỷ lệ dành nguồn tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán Trung ương giao hằng năm đối với nhóm tỉnh còn khó khăn, để địa phương có nguồn lực thực hiện theo định mức Trung ương quy định và cân đối nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển, các chính sách, đề án của tỉnh nhằm tăng đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hủy bỏ đối với quy hoạch xây dựng thuộc dự án đầu tư; quy định cụ thể về việc lập quy hoạch chi tiết bằng vốn ngân sách để đấu giá đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu Chính phủ có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, mức độ đánh giá sự phù hợp với quy hoạch xây dựng; định hướng phát triển đô thị; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở,… khi thẩm định chủ trương đầu tư dự án.
Tại Phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Phạm Đình Thanh đã phát biểu tham gia 4 ý kiến về vấn đề gia hạn, cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản; việc quản lý, cấp phép đối với phần tài nguyên cát, sỏi lòng sông được bồi lắng.
Tại Phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, các đại biểu Tô Văn Tám và Trần Thị Thu Phước đã phát biểu tham gia 5 ý kiến về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan; về thăng quân hàm và nâng lương trước thời hạn; chính sách về nhà ở.
|
Các ĐBQH tỉnh tiếp tục tham gia 2 phiên thảo luận tại Tổ 8 cùng ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên và thành phố Cần Thơ đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; 4 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi) và Luật Nhà giáo.
Tại các phiên làm việc này, các ĐBQH hội tỉnh đã phát biểu 3 lượt tham gia ý kiến thảo luận đối với các nội dung này.
Đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Phạm Đình Thanh đã phát biểu 2 ý kiến về việc cần quan tâm và thực hiện ngay chủ trương sửa chữa, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới cơ sở cai nghiện ma túy ở các địa phương, đảm bảo 100% địa phương cấp tỉnh có cơ sở cai nghiện và các điều kiện khác về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân lực... để phục vụ cho công tác cai nghiện ma túy.
Đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương thực hiện ngay việc chỉ đạo, rà soát và có biện pháp cụ thể để củng cố về lực lượng, phương tiện, điều kiện làm việc và chính sách đãi ngộ, nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trợ giúp viên, viên chức ở các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng có liên quan đến ma túy đã được xác định tại Chương trình.
Hồ Nam