Đánh giá làm rõ hơn những hạn chế, bất cập trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở
Ngày 4 và sáng 5/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
|
Tại phiên thảo luận, đồng chí Phạm Đình Thanh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã gửi văn bản tham gia 4 ý kiến, kiến nghị về kinh tế - xã hội đến Quốc hội.
Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và những kết quả quan trọng đã đạt được về kinh tế - xã hội trong năm 2024.
Qua khảo sát, đánh giá thực trạng và tiếp nhận nội dung phản ánh, kiến nghị của cử tri, nhằm bổ sung thông tin, phục vụ cho việc đánh giá, làm rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; để đề ra nhiệm vụ giải pháp hữu hiệu cho các tháng cuối năm 2024 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; đại biểu Phạm Đình Thanh đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ 4 vấn đề như sau:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường và thực hiện kiên quyết, hiệu quả hơn công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; chấn chỉnh cho được tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc trong một bộ phận cán bộ, công chức đang tồn tại ở một số bộ, ngành, địa phương hiện nay.
Thực tế, hiện nay ở một số bộ, ngành, địa phương còn tồn tại tình trạng cán bộ, công chức chưa chủ động, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, "đổ lỗi" cho hệ thống pháp luật để không thực hiện đầy đủ công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
|
Cử tri cho rằng, cùng một hệ thống pháp luật có đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao; nhưng có đơn vị, địa phương kết quả thực hiện nhiệm vụ rất hạn chế, vấn đề này, rất cần phải được mổ xẽ sâu để làm rõ, nguyên nhân từ đâu và trách nhiệm thuộc về ai?
Thứ hai, cần đánh giá làm rõ hơn những hạn chế, bất cập trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở. Cử tri phản ánh, mặc dù Quốc hội đã xem xét sửa đổi bổ sung, các dự án luật như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Nhà ở; Luật Đấu giá tài sản.
Trong các kỳ họp gần đây, nhằm phục vụ tốt công tác quản lý của Nhà nước và bổ sung đầy đủ các quy định để khắc phục vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đất đai, nhà ở phục vụ ngày càng tốt hơn đối với đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Thế nhưng, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, gần đây giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở, khó có khả năng tiếp cận; tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tiếp tục tái diễn; tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao làm cho người dân, doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả. Và trong thực tế việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ.
Thứ ba, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư mạnh và đồng bộ hơn để xây dựng, nâng cao thật sự về chất lượng nguồn nhân lực.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao; các ngành phục vụ kinh tế số; kinh tế xanh; trí tuệ nhân tạo; công nghệ bán dẫn; công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu mới về sử dụng lao động và nhu cầu phát triển.
Đây là vấn đề mà cử tri rất quan tâm, đề nghị các cấp, các ngành cần phải có sự quan tâm và ưu tiên đặc biệt phải tập trung xây dựng cho được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển của đất nước, cả trước mắt và lâu dài.
|
Thứ tư, về phát triển vùng Tây Nguyên Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 giao các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ, công việc cụ thể theo quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, theo phản ánh của chính quyền và cử tri các tỉnh Tây Nguyên thì việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao ở một số bộ, ngành còn chậm, chưa kịp thời.
Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, Đề án đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 152/NQ-CP, nhất là đối với nhóm Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên. Với quan điểm nhất quán của lãnh đạo Đảng, Nhà nước: lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Và với sự thống nhất, đồng bộ, quyết liệt về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, trong tổ chức thực hiện. Đó là: Tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tháo gỡ nhanh nhất các các điểm nghẽn; khuyến khích đổi mới sáng tạo; khơi thông và huy động tối đa các nguồn lực; tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của nhân dân.
Cử tri và nhân dân tin tưởng, đất nước chúng ta sẽ có bước phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Hồ Nam