Chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông
Sáng 12/11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông là giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Công an đã tham gia trả lời và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu tại Phiên chất vấn này, theo đại biểu Tô Văn Tám việc đầu tư phát triển nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông cho khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đang có 2 vấn đề đáng quan tâm.
Vấn đề thứ nhất, về vùng lõm và vùng trắng thông tin về viễn thông, trả lời chất vấn của đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn và đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi thấy rằng Bộ trưởng đã nhìn nhận rất rõ là hiện nay chúng ta có những điểm đang còn lõm, đang còn trắng về thông tin. Bộ trưởng đã nhìn nhận rõ và đã trả lời có những giải pháp đã, đang và sắp tới sửa cả về cơ chế pháp lý và những giải pháp sẽ làm để xóa vùng trắng, vùng lõm về thông tin này.
Vấn đề thứ hai, rất đáng quan tâm chúng tôi thấy Bộ trưởng chưa đề cập đến, đó là chất lượng của thông tin mà vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS này đã, đang và sẽ được tiếp cận khi xóa vùng lõm. Hiện nay đang có những tin giả, những thông tin xuyên tạc về đường lối, chính sách của Đảng, xuyên tạc về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những quảng cáo sai sự thật như các đại biểu đã nêu. Những thông tin này cũng đang bủa vây và sắp tới sẽ bủa vây đồng bào DTTS khi tiếp cận thông tin và những thủ đoạn của những việc đưa thông tin này càng ngày càng tinh vi. Như họ sẽ lồng những thông tin sai sự thật hoặc xuyên tạc đó vào trong những thông tin đúng, có thể 10 thông tin trong đó có 8-9 thông tin đúng, nhưng chỉ lồng vào một vài thông tin xuyên tạc hay sai sự thật hay giả mạo thì dân sẽ thấm dần. Như vậy, đối với đồng bào vùng này không phải lúc nào bà con có thể nhận diện được điều đó. Vậy trước những thủ đoạn như vậy, những thực trạng vậy, Bộ trưởng có ngăn chặn được không và có giải pháp nào để ngăn chặn việc này.
|
Trả lời ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám về việc lõm sóng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rất đồng ý với đại biểu. Thực ra câu chuyện lõm sóng là 2 câu chuyện, trong đó vấn đề có sóng, trước đây chúng ta bảo cứ alô được là có sóng nhưng bây giờ không phải, bây giờ phải dùng được Internet, phải dùng được dịch vụ công trực tuyến, phải mua bán trực tuyến được, phải học được, phải làm việc trực tuyến được mới gọi là phủ sóng. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông ra một tiêu chuẩn mới là đã phủ sóng thì ngoài alô phải có Internet và Internet phải 40 Mbps và hiện nay chúng tôi đang yêu cầu các nhà mạng nâng cấp để cho bà con đã có sóng sẽ dùng được các dịch vụ trực tuyến. Về câu chuyện chất lượng thông tin, tôi rất đồng ý với đại biểu là bây giờ bà con mình ở các vùng sâu, vùng xa cũng dễ bị ảnh hưởng vì ít kiến thức, cũng chưa làm quen với không gian mạng mà bây giờ mình phủ sóng sẽ bị bủa vây thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi có một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, chúng ta chủ động ngăn chặn.
Thứ hai, chúng ta phải đào tạo, tuyên truyền để nâng cao sức đề kháng, kỹ năng số, chúng tôi cũng đang làm, nhưng với DTTS phải bằng tiếng dân tộc. Chúng ta đào tạo qua các chương trình đào tạo, đặc biệt đào tạo trực tuyến cho bà con, hiện nay chúng tôi mới đang bắt đầu chuyển thành tiếng dân tộc, việc này chúng tôi sẽ làm nhanh và chắc trong năm nay bắt đầu có một số phiên bản tiếng dân tộc. Tuyên truyền cho bà con phải dùng hệ thống thông tin cơ sở. Hiện nay chúng ta có 220.000 cộng tác viên, họ có thể đến từng nhà, đội ngũ đó chính là đội ngũ đi tuyên truyền cho bà con và đào tạo bà con. Năm nay, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức một đại hội của những người làm thông tin cơ sở, rất tích cực, động viên tinh thần của những người này và giao thêm nhiệm vụ cho đội ngũ này. Ngoài ra, chúng ta hiện nay có lẽ là một trong số rất ít quốc gia có đến gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng. Họ cũng có thể đến từng ngõ, gõ từng nhà và giúp đỡ từng đối tượng, chính đội ngũ này cũng là đội ngũ gần bà con và chúng tôi sẽ làm nhiệm vụ cho đội ngũ này nữa để chuẩn bị kiến thức cho bà con.
Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng.
Thứ hai, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đầu tư phương tiện, hệ thống công cụ kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin trên không gian mạng. Phát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để rà quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số.
Thứ ba, tiếp tục kiên cố hoá hạ tầng viễn thông, xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động đến cấp huyện, xã. Trong năm 2025, phủ sóng viễn thông di động đối với các thôn đã có điện nằm ngoài khu vực khó khăn. Phối hợp với bộ, ngành liên quan để phủ sóng viễn thông ngay sau khi triển khai điện lưới đối với các thôn chưa có điện.
Hồ Nam