“Tuổi cao - gương sáng" xin thoát nghèo
Nếu đâu đó vẫn còn những trường hợp muốn “được nghèo”, dù đủ điều kiện thoát nghèo, thì tại xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) lại có những người cao tuổi xin ra khỏi diện hộ nghèo để nhường lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cho những hộ còn khó khăn khác.
Vợ chồng cụ Nguyễn Tánh (thôn 1, xã Kon Đào) năm nay đều đã ngoài tám mươi tuổi. Với số tiền dành dụm, chắt góp qua nhiều năm, vừa qua, 2 cụ đã hoàn thành tâm nguyện, tự mình xây dựng được một căn nhà mới.
Trong căn nhà cấp 4 của mình, vợ chồng cụ Tánh không giấu nổi niềm vui: Mình có nhà, có cửa, có chỗ ngủ, nắng mưa không lo, ăn uống đủ bữa, như vậy đã là may mắn hơn nhiều người rồi! Chính vì lý do đó, vợ chồng tôi đã tự nguyện xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Ánh mắt cụ Tánh nhìn xa xăm: Tôi đến với xã Kon Đào vào năm 1976 theo diện lao động tự do, sau đó tham gia một hợp tác xã trồng lúa. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, gian truân, nên trở thành hộ nghèo lúc nào chẳng hay.
|
Thuộc diện hộ nghèo của xã, vợ chồng cụ Tánh mỗi tháng đều nhận được trợ cấp của địa phương. Số tiền này được vợ chồng cụ dành dụm, kết hợp với lao động để nuôi 6 người con ăn học. Đến nay các con của cụ đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Vợ chồng cụ Tánh kiên quyết xin thoát nghèo.
Cụ Tánh tâm sự: Nhiều năm thuộc diện hộ nghèo, gia đình tôi nhận được sự quan tâm, chăm lo chu đáo của cấp ủy, chính quyền và sự đùm bọc của bà con lối xóm. Tôi có thẻ bảo hiểm y tế nên đỡ chi phí thuốc men mỗi tháng. Nay cuộc sống vợ chồng tôi đã ổn hơn, nên xin được nhường sự quan tâm này đến cho những gia đình khó khăn hơn. Đồng thời, tôi cũng muốn làm gương cho con cháu, cố gắng lao động, sản xuất để vươn lên trong cuộc sống.
Một tấm gương khác trong việc tự nguyện xin thoát nghèo là cụ Võ Nhành (thôn 6, xã Kon Đào), năm nay cũng ngoài 80 tuổi. Trước đây, gia đình cụ Nhành hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Vợ của cụ Nhành thường xuyên đau ốm, bệnh tật, tiền thuốc men, chi phí hàng tháng không hề nhỏ.
Tuy nhiên, dù là hộ nghèo, thì cụ Nhành vẫn cố gắng lao động, để tạo nguồn thu nhập chăm sóc cho gia đình. Bên cạnh việc lao động chân tay, cụ Nhành còn mở một quán nước nhỏ. Tuy nguồn thu nhập không nhiều nhưng cụ luôn dành dụm để chăm lo cho con cái ăn học, giáo dục các con nên người.
Năm 2022, vợ của cụ Nhành qua đời vì bệnh. Cụ Nhành quyết định viết đơn xin thoát nghèo, để dành cho sự hỗ trợ cho những người khó khăn khác.
|
Cụ Nhành tâm sự: Tuy tôi bây giờ không giàu, nhưng bản thân đã có thể sống dựa vào con cháu. Thời trước, khi còn đói kém, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chăm lo tạo điều kiện cho tôi và gia đình rồi. Vậy nên việc thoát nghèo phải là trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân mình. Tôi muốn đóng góp một chút gì đó cho địa phương trong việc chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Quyết định của cụ Nhành được mọi người đánh giá là một hành động đẹp, là nguồn cảm hứng trong việc tuyên truyền, cổ vũ, động viên các hộ gia đình khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tìm giải pháp để thoát nghèo thay vì trông chờ vào chính sách hộ nghèo của Nhà nước.
Được biết trong năm 2023, xã Kon Đào có 288 hộ nghèo và cận nghèo. Thời gian qua, chính quyền xã đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo. Xã chú trọng tuyên truyền, vận động bà con phát huy nội lực để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp.
Vì vậy, trong năm đã có 134 hộ gia đình thoát nghèo và cận nghèo, với 4 hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo. Đây là sự lan tỏa về lòng tự trọng, biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Tin rằng, ngày càng có nhiều hơn những lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo!
TẤT THÀNH