Người trưởng thôn mang quân hàm gần dân
Cùng tôi đi bộ trên con đường bê tông phẳng phiu, ngắm nhìn những ngôi nhà “3 cứng” rộn ràng tiếng cười đùa trẻ con, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Cương (Chi nhánh 716, Binh đoàn 15) – Trưởng thôn 6 (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) cười mãn nguyện. Bởi anh xem nơi đây như quê hương thứ 2 của mình, luôn gắn bó với người dân, cùng dân xây dựng nơi đây ngày càng khởi sắc.
Gần dân
Trước khi thành lập huyện Ia H’Drai vào tháng 3/2015, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Cương làm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 6, là người gắn kết giữa chính quyền địa phương với nhân dân để giúp bà con nơi đây thoát nghèo.
Với anh Cương, nhiệm vụ khi ấy không dễ, bởi Ia Đal là dải đất biên cương gian khó vô cùng. Anh hiểu rõ, muốn “đánh thức” mảnh đất này phải có sự chung sức, đồng lòng của người dân, bởi như Bác Hồ căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nên bằng mọi cách phải giữ chân người dân.
Đến vùng biên Ia Đal sinh sống bằng nghề trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su, những đôi vợ chồng trẻ đều xuất thân từ gian khó, ngoài giấy tờ tùy thân, họ đến đây với đôi tay cần mẫn, sức trẻ. Họ sống trong những dãy nhà tập thể chật trội, ọp ẹp cùng những đứa con nheo nhóc, không ít người nung nấu ý định kiếm tiền rồi trở về quê sinh sống.
Để động viên người dân, anh Cương xem họ như người thân trong nhà, chia nhau từng gói mì, con cá khô, giúp nhau từng viên thuốc khi ốm, cùng dìu nhau qua những ngày khó. Anh vận động các gia đình nhập khẩu, ra xây dựng nhà ở riêng để được hưởng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước và hỗ trợ từ Chi nhánh 716 rồi từ từ ổn định, phát triển kinh tế.
Sau nhiều lần vận động, đôi vợ chồng trẻ đầu tiên cũng xin nhập khẩu và chuyển ra ở riêng. Với sự hỗ trợ của anh Cương cùng những người lao động trong đơn vị, căn nhà ván “khang trang” đầu tiên cũng nhanh chóng hoàn thành trong niềm hân hoan của gia đình.
Theo đó, các hộ gia đình nhập khẩu chuyển ra ở riêng, cuộc sống dần dần đi vào ổn định. Và cũng từ đó, nhiều căn nhà mới mọc lên, 35/35 hộ đều nhập khẩu. Nhiều anh em, họ hàng ở quê của các hộ dân cũng vào đây sinh sống theo. Giờ đây, thôn 6 có 84 hộ với hơn 342 khẩu. Các hộ đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương mới, không còn có tư tưởng trở về quê sinh sống.
|
Nông thôn mới nơi miền biên
Trời chập choạng tối. Anh Lục Văn Bình (38 tuổi tuổi, ở thôn 6) tranh thủ dọn cơm để vợ mình kịp lót dạ trước khi vào vườn khai thác mủ cao su, còn anh ở nhà bán quán ăn tối để kiếm thêm thu nhập. Hai đứa con nhỏ con anh thủ thỉ với nhau ăn nhanh rồi ra đường chơi với bạn.
Từ ngày có điện đường vào đầu năm 2021, khu anh Bình sống nhộn nhịp, rộn ràng hơn khi về đêm. Đó cũng là kết quả của sự đoàn kết giữa người dân với chính quyền thôn cùng nhau tạo nên con đường được thắp sáng ánh điện về đêm.
Hộ gia đình anh Lục Văn Bình trước đây là hộ nghèo, chưa có nhà ở kiên cố. Vợ chồng anh luôn cố gắng làm việc, sống tằn tiện, tiết kiệm với hy vọng có được ngôi nhà “3 cứng”.
Và từ sự giới thiệu của chính quyền thôn, năm 2021, gia đình anh Bình được xã hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà theo kênh của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện. Với số tiền gia đình tiết kiệm từ trước, vay mượn thêm của anh em họ hàng, cùng với tiền hỗ trợ, ngôi nhà “3 cứng” có diện tích gần 100m2 của gia đình anh được hoàn thành. Có nhà ở ổn định, gia đình anh Bình thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khởi sắc hơn.
Để nâng cao thu nhập, được sự vận động của chính quyền địa phương, anh Bình mạnh dạn vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng để mở quán ăn, trồng cây điều trên đất bờ lô hợp thủy. Giờ đây, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh Bình thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đal cho biết: Gia đình anh Bình là 1 trong 5 hộ được chính quyền địa phương hỗ trợ nhà ở để thoát nghèo, nâng tổng số hộ thoát nghèo trong thôn vào cuối năm 2021 lên 77/84 hộ, giúp thôn đạt tiêu chí hộ nghèo và hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2021.
Nhờ sự tận tụy, giúp đỡ của Trưởng thôn Vũ Văn Cương, không riêng hộ anh Lục Văn Bình, thôn 6 ngày nay, có thêm nhiều nhà “3 cứng”. Ngoài nguồn thu nhập từ lương công nhân cao su, các hộ gia đình còn tranh thủ sản xuất, chăn nuôi thêm, đời sống ngày càng nâng cao, vùng biên ngày càng khởi sắc.
Văn Tùng