Nghệ nhân đa tài
Dù đã 84 tuổi, nhưng ông A Quá (dân tộc Gié-Triêng, thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) luôn tận tâm, nỗ lực hết mình để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông là một nghệ nhân đa tài, không những biết tạc tượng gỗ, mà còn biết làm nghề rèn, đan lát, chế tác nhạc cụ dân tộc, chỉnh chiêng, đánh cồng chiêng, đàn hát dân ca.
Trò chuyện với chúng tôi, ông A Quá nói rằng đã biết tạc tượng gỗ từ hơn 60 năm trước. Từ tuổi thiếu niên, ông thường đi theo ông nội và cha để học hỏi kỹ thuật chế tác tượng gỗ. Theo ông, việc tạc tượng không khó, chỉ cần tìm ý tưởng hay, ví như mình muốn tạc hình tượng nào thì xây dựng ý tưởng trong đầu, sau đó phác họa ra giấy, cứ thế mà làm theo, chỉnh sửa dần đến khi hoàn chỉnh bức tượng theo ý tưởng ban đầu.
“Già có thế chế tác nhiều hình tượng con người hay con vật. Đối với tượng người, có thể là tượng con gái mặc váy, tượng phụ nữ mang gùi lên rẫy, tượng ông già đang hút thuốc lá, tượng chiến sĩ bộ đội cầm súng đánh giặc. Còn đối với tượng con vật, có thể là tượng con trâu, bò đang cày ruộng, tượng con hổ, con voi, con cá, con gà, con heo” - ông A Quá chia sẻ.
Tùy theo chủng loại gỗ làm tượng, một tác phẩm tượng gỗ hoàn chỉnh, mang tính mỹ thuật cao, kỹ thuật sắc sảo, phải làm từ 5 - 10 ngày. Còn những hình tượng đơn giản, chỉ cần từ 3 - 5 ngày là thực hiện xong một tác phẩm.
Để giữ nghề tạc tượng khỏi bị mai một, hàng chục năm qua, ông đã truyền dạy cho nhiều thanh thiếu niên trong thôn, trong đó, có một số người biết tạc tượng gỗ làm nghề thành thục, như A Miên, A Viên. Nhờ vậy, hiện nay thôn Đăk Răng có 7 nghệ nhân biết làm nghề tạc tượng gỗ.
|
|
Ngoài tạc tượng, nghệ nhân A Quá còn biết làm nhiều nghề thủ công truyền thống khác như nghề rèn, đan lát. Với những nghề “tay trái” này, ông làm vì niềm đam mê, mong muốn lưu giữ nghề truyền thống của thế hệ đi trước; sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt hàng ngày trong gia đình và dân làng.
Không chỉ am hiểu và biết làm nhiều nghề thủ công truyền thống, ông A Quá còn biết chế tác các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Gié - Triêng. Theo nghệ nhân A Quá, nhạc cụ của người Gié - Triêng khá đa dạng, gồm có nhạc cụ màng rung (trống h’gơr, pa thân), nhạc cụ hơi (gor, đơl đô, ta lun, ta lin, brưl, ta lẹh, đinh tút, khèn, ka jol), nhạc cụ tự thân vang (chiêng, lột, rinh) và nhạc cụ dây (m’bin, m’bin puil, ong eng).
Nghệ nhân A Quá chia sẻ, trong các loại nhạc cụ truyền thống của người Gié - Triêng, đinh tút là nhạc cụ thổi gồm 6 ống nứa dài ngắn khác nhau, mỗi ống cho một cao độ. Chiều dài các ống từ 60-105cm, đường kính khoảng 3cm. Các ống đinh tút có cấu tạo khá đơn giản, một đầu rỗng để thổi và một đầu có mấu kín. Đầu thổi được khoét vát hai bên tạo thành hình bán nguyệt để khi diễn tấu môi dưới của người thổi ôm khít vào một bên miệng ống. Để chơi đinh tút cần phải có 6 người, mỗi người thổi một ống. Đinh tút là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng.
Ông Hiêng Lăng Thắng - Chủ tịch UBND xã Đăk Dục cho biết: Ông A Quá là một nghệ nhân đa tài, có nhiều đóng góp trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Gié - Triêng. Tuy đã lớn tuổi nhưng ông A Quá luôn nhiệt tình, hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa như Liên hoan cồng chiêng và đàn hát dân ca các DTTS, Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc do xã, huyện, tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân các ngày kỷ niệm, lễ lớn của địa phương và đất nước. Ngoài ra, ông còn truyền dạy các nghề thủ công, kỹ thuật chỉnh chiêng, nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng cho thế hệ trẻ trên địa bàn.
QUANG ĐỊNH