A Vét thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Đến thôn Vi Ô Lắc, xã Pờ Ê (huyện Kon Plông), khi hỏi về những người trẻ mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cán bộ thôn giới thiệu chúng tôi gặp anh A Vét (33 tuổi, dân tộc H’rê). Nhiều năm qua, anh A Vét luôn nỗ lực vươn lên, xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng khá giả.
Gia đình anh A Vét (dân tộc H’rê) trước đây vốn là hộ nghèo ở địa phương. Từ nhỏ đến lớn, anh đều nghe theo lời bố mẹ phải trồng cây mì, cây lúa để có cái ăn. Thực tế cho thấy, việc trồng mì, trồng lúa chỉ đủ ăn, chứ không dư giả.
Học hết lớp 12, vì điều kiện gia đình không cho phép, A Vét đành nghỉ học ở nhà làm rẫy. A Vét tâm sự: Tôi cảm thấy bản thân mình may mắn khi được bố mẹ cho đi học hết lớp 12, nên có kiến thức giúp ích cho đời sống và sản xuất. Nghỉ học ở nhà, bản thân tiếp tục tham gia vào các hoạt động ở địa phương, các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng, kỹ năng chăm sóc, tiêm thuốc phòng chống bệnh tật cho vật nuôi.
|
“Nhờ tham gia các lớp tập huấn, tôi đã học được kiến thức và kỹ năng tiêm chích thuốc cho gia súc và trở thành nhân viên thú y của xã. Các hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh đều nhờ tôi đến tiêm thuốc hay can thiệp khi gia súc đẻ” - anh A Vét cho biết thêm.
Khi lập gia đình, A Vét tách hộ, được bố mẹ chia 6 sào đất. A Vét nhận thức rằng, nếu chỉ dựa vào số đất ấy không thể nào thoát nghèo. Chính vì thế, vợ chồng anh ngược xuôi tìm việc làm thêm, đồng thời tiết kiệm trong chi tiêu để có tiền đầu tư mở rộng sản xuất. Số tiền tiết kiệm được, vợ chồng anh đầu tư mở rộng diện tích đất canh tác, đầu tư chăn nuôi và lo cho con học hành.
“Thanh niên trong làng rủ uống rượu tôi đều từ chối hoặc uống một vài ly rồi xin phép đi làm. Tôi thấy uống rượu mất thời gian, tốn kém, hại sức khoẻ. Lâu lâu làng có hội, có tiệc quan trọng, tôi mới nghỉ ở nhà” - anh A Vét tâm sự.
Cùng với đó, gia đình anh A Vét rất chú trọng giữ gìn sức khỏe, luôn đến trạm y tế, bệnh viện để khám bệnh mỗi khi đau ốm chứ không tin vào lời thầy cúng như một số người trong làng. Chính vì thế, số tiền anh dành để khám, chữa bệnh tương đối ít, không phải tốn trâu, tốn bò để cúng bái như một số gia đình khác.
Năm 2021, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), anh A Vét đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi bò sinh sản.
|
Anh A Vét kể: Trước khi bắt tay thực hiện mô hình, tôi đã dùng số tiền 20 triệu đồng để xây chuồng nhốt gia súc, không thả rông gia súc. Để làm chuồng nhốt gia súc, tôi tận dụng gỗ, cát, sỏi có sẵn, chỉ mua thêm xi măng, gạch về xây và tôn lợp. Chuồng xây dựng rộng hơn 30m2. Chuồng gồm máng ăn, khung rào, nền bê tông để thuận tiện dọn phân ủ bón cho cây trồng.
Sau khi xây dựng xong chuồng trại, anh A Vét mua 3 con bò giống đã mang bầu. Đồng thời, diện tích đất trống xung quanh chuồng đều được anh phủ xanh cỏ voi để có thể đảm bảo cung cấp thức ăn cho bò vào những ngày mưa rét. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, đàn bò của anh A Vét đã phát triển được 10 con, gia đình đã bán 2 con để có tiền xoay sở trong cuộc sống, hiện tại vẫn còn 8 con đang sinh trưởng tốt.
Cùng với đó, thực hiện Cuộc vận động, thấy nhiều nơi trồng dứa mang lại hiệu quả, anh A Vét mạnh dạn chuyển đổi một phần đất trồng mì bạc màu sang trồng dứa. Kiến thức trồng và chăm sóc dứa, anh lặn lội đến các huyện khác để học hỏi. Giờ đây, vườn dứa sinh trưởng rất tốt, sai quả, hứa hẹn sẽ đạt năng suất cao.
Mới đây khi làm việc với thôn Vi Ô Lắc, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa cùng đoàn công tác đã đến thăm mô hình nuôi bò sinh sản của anh A Vét. Tại đây, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận hiệu quả bước đầu mô hình mang lại, đồng thời biểu dương tinh thần mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm của anh trong việc đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi nhốt gia súc, bỏ thói quen nuôi thả rông. Đồng chí mong muốn, thời gian tới, anh A Vét tiếp tục chăm sóc thật tốt đàn bò để nhiều bà con học hỏi, làm theo.
Ông Lương Ngọc Bảo - Chủ tịch UBND xã Pờ Ê cho biết: Anh A Vét là một trong những hộ DTTS trẻ tuổi, có những suy nghĩ tiến bộ trong đời sống sinh hoạt cũng như trong trồng trọt, chăn nuôi. Thu nhập hằng năm của gia đình anh hơn 100 triệu đồng. Thực hiện Cuộc vận động, anh đã tiên phong xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản nhốt chuồng và mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong thời gian tới, xã sẽ chọn mô hình của anh A Vét làm mô hình điểm để các hộ chăn nuôi trên địa bàn học hỏi, làm theo.
Văn Tùng