Xây dựng nông thôn mới ở xã Đăk Ang: Bắt đầu từ những việc nhỏ
Trăn trở trước những yêu cầu đặt ra trong xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) vận động và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống kể cả những việc được coi là nhỏ như dọn vệ sinh, trồng rau…
Nằm ở tả ngạn sông Pô Kô, xã Đăk Ang có địa hình đất dốc, việc phát triển kinh tế không mấy thuận lợi. Mặc dù không còn khó khăn như ngày nào, hệ thống cầu treo qua sông Pô Kô hiện nay kết nối với đường Hồ Chí Minh cùng với đường giao thông được bê tông, láng nhựa chạy dọc dài theo xã giúp người dân phát triển kinh tế và đi lại thuận tiện hơn, nhưng so với các địa phương khác, Đăk Ang vẫn còn là một xã nghèo và khó.
|
Để tìm hiểu việc xây dựng nông thôn mới, tôi vào làng Đăk Giá I. Thấy nhà nào cũng rào giậu trồng rau, hỏi người dân tự phát trồng hay chủ trương ở địa phương, chị Y Lóa- Thôn trưởng thôn Đăk Giá I cười, bảo: Làm gì có tự phát, đây là chủ trương của xã từ năm ngoái và vào mùa khô này thôn Đăk Giá I lại tiếp tục vận động người dân hưởng ứng. Mùa khô trên rẫy và trong rừng hết rau, bà con phải trồng mới có rau ăn. “Dân còn nghèo, thiếu tiền mua rau. Trồng rau sạch không chỉ có rau ăn, bà con còn tiết kiệm khoản tiền mua rau để dành thêm tiền mua mắm muối!”- chị Y Lóa lý giải.
Có nhiều vấn đề đặt ra trong việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương đang được người dân thôn Đăk Giá I tích cực hưởng ứng. Chị Y Lóa cho biết thêm, từ việc trồng rau, dọn vệ sinh thôn làng sau chào cờ tại nhà rông hàng tuần, đến việc thực hiện mô hình nuôi dê, bò, trồng cà phê, hay lớn hơn là bê tông giao thông nông thôn người dân đều tích cực hưởng ứng.
Để giúp người dân nâng cao đời sống bền vững trong xây dựng nông thôn mới, chị Y Lóa mong được các cơ quan khuyến nông, các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm hỗ trợ phân, giống và kỹ thuật trồng cà phê. “Nhà mình trồng 0,5 ha cà phê, nhưng thiếu kỹ thuật nên cà phê chậm phát triển”-Y Lóa trải nghiệm từ thực tế sản xuất.
Tại thôn Đăk Giá II, tôi lại gặp một nhóm hộ đang góp cây gỗ làm chuồng trại nuôi bò. A Tuấn-Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi bò cho biết: Tổ hợp tác có 10 hộ mới được thành lập. Các hộ xây dựng khu chuồng trại chung, mỗi hộ góp 1 con bò. Địa phương cấp 1 ha đất, trong đó có 0,5 ha các hộ dành cho việc trồng cỏ nuôi bò. Theo phương án sản xuất của Tổ hợp tác, các hộ cắt cử người thay phiên nhau chăn thả bò.
|
A Tuấn khoe rằng, nhờ phát triển mạnh chăn nuôi bò, gia đình ông năm trước bán 7 con bò, xây dựng ngôi nhà mới, nền lát gạch khang trang. “Ở xã, nguồn thu nhập chính của bà con phần nhiều là cây mỳ. Tuy nhiên nếu chỉ cứ trông vào cây mỳ thì khó thoát nghèo”- Y Phẳng (vợ A Tuấn) phân trần.
Trên thực tế, thấy được sự bấp bênh của một số mặt hàng nông sản, trong sản xuất nông nghiệp, vợ chồng A Tuấn chủ trương đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Năm ngoái, gia đình ông được địa phương tạo điều kiện vay vốn trồng được 2 ha cà phê trên đất trồng mỳ trước đây.
Gắn bó với địa phương từ thời còn là cán bộ phụ trách giảm nghèo, Nguyễn Ngọc Thất- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ang luôn đau đáu với việc phát triển kinh tế, giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân. Nhà nước đầu tư mở đường và tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nhưng nếu chính quyền và người dân không tìm được hướng đi phù hợp thì địa phương khó phát triển.
|
Từ những trăn trở này và trước yêu cầu đặt ra, Đảng ủy, UBND xã cùng với thôn xác định đúng những mục tiêu dài hạn, tập trung nguồn lực giúp dân phát triển cà phê, cao su, chăn nuôi bò. Hiện nay, xã đã quy hoạch vùng phát triển cà phê ở thôn Đăk Blái, Đăk Rme rộng hơn 100 ha. Bên cạnh đó, xã giúp dân phát triển các tổ hợp tác; đồng thời tranh thủ Dự án giảm nghèo hỗ trợ cho dân xây dựng các mô hình phát triển lúa nước, ngô, dê, heo…Khai mở hướng đi này, xã đang tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển ổn định và bền vững hơn trong những năm đến.
Văn Nhiên