Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn với quyết tâm tạo đổi thay căn bản vấn đề “nông nghiệp, nông thôn và nông dân”. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của chương trình này, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Theo báo cáo của ngành chức năng, đến tháng 4/2022, toàn tỉnh đã có 36 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 19 xã đạt chuẩn từ 15-18 tiêu chí, 29 xã đạt chuẩn từ 10-14 tiêu chí, 1 xã đạt chuẩn 8 tiêu chí, không còn xã đạt chuẩn dưới 8 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 16,15 tiêu chí, tăng 1,35 tiêu chí so với năm 2020; đã có 4 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 7 thôn đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 19 thôn nông thôn mới.
Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025. Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, tỉnh ta tự tin triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 với mục tiêu tổng quát là tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn (làng) ở vùng đồng bào DTTS; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
|
Mục tiêu cụ thể tỉnh ta đề ra là, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất từ 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; với các xã chưa đạt chuẩn, bình quân mỗi năm tăng từ 2 tiêu chí trở lên/xã; tiếp tục xây dựng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Phấn đấu toàn tỉnh có 4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thành phố Kon Tum hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới .
Phấn đấu có 50% số thôn (làng) vùng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí thôn nông thôn mới do UBND tỉnh quy định.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chương trình đề ra, trên cơ sở quy định của Trung ương, tỉnh và các huyện, thành phố tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; song song với đó, bộ máy giúp việc ban chỉ đạo các cấp đã được thành lập và kiện toàn để đảm bảo công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện.
Cấp ủy đảng các cấp đưa chỉ tiêu, nhiệm vụ vào nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Ngành Nông nghiệp- cơ quan thương trực của ban chỉ đạo tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương tổ chức rà soát, lựa chọn các xã để đề ra mục tiêu, lộ trình phấn đấu đạt chuẩn xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025.
UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành bộ tiêu chí về thôn nông thôn mới giai đoạn 2022- 2025 và bộ tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 -2025 để làm cơ sở triển khai thực hiện. Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong xây dựng nông thôn mới năm 2022, ngày 2/3/2022, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022.
|
Mỗi ngành, mỗi địa phương đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng trong xây dựng nông thôn mới. Huy động các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt chú trọng thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021- 2025 để hỗ trợ các xã hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đã đề ra. Thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; bổ sung vốn tín dụng cho hệ thống quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; tăng cường hỗ trợ cho vay phát triển Chương trình OCOP, hỗ trợ áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền. Ngay từ đầu năm, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền và triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS. làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh.
Thiên Hương