Xã Sa Nghĩa: Nông dân nẫu ruột vì lúa không hạt
Vụ lúa đông xuân này, xã Sa Nghĩa (huyện Sa Thầy) xuống giống khoảng 30ha lúa nước. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa này đã chín và nhiều hộ nông dân đã chuẩn bị thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều hộ không khỏi buồn rầu, xót xa khi mà nhiều diện tích lúa bị lép hạt, ít hạt khiến họ bị thất thu.
“Mở hàng” cho vụ mùa thất bát năm nay là cảnh hàng chục hộ dân trên địa bàn đã phải đi cắt lúa cho trâu, bò ăn vì lúa không có hạt.
Vừa đi thăm ruộng lúa về, vẻ mặt ông Đỗ Văn Duyệt (thôn Anh Dũng) buồn so khi chúng tôi hỏi thăm về tình hình lúa vụ này. Ông Duyệt phân trần: Nhà tôi có 2 sào lúa, lúc lúa con gái rồi sang làm đòng đều rất tốt, vậy mà không hiểu sao từ lúc vào mẩy bông cứ khô dần, bông lúa vươn cao trắng xóa, bây giờ 2/3 số bông đã khô trắng, hạt thì có nhưng không có nhân gạo. Nhìn ruộng lúa mà nẫu cả ruột gan, vụ lúa này nhà tôi cầm chắc mất trắng rồi.
Theo ông Đỗ Văn Tới – Thôn trưởng thôn Anh Dũng thì cả thôn có đến 200 hộ dân đều bị chung tình cảnh mất mùa. Nhiều ruộng lúa đến lúc được thu thì khô trắng hết cả, không thu được gì; không ít nhà phải cắt lúa dọn ruộng rồi gom lại đốt. Điều đáng nói là tất cả các giống lúa đều bị mất trắng, trong đó có cả giống mới Bắc Thơm mà huyện cấp cho khoảng 20 gia đình được gieo trồng trên những chân ruộng đẹp nhất.
|
Có mặt tại cánh đồng thôn Hoà Bình, chúng tôi gặp nhiều gia đình đang tiến hành thu hoạch lúa, nhưng ai nấy đều than ngắn thở dài, chán nản khi nhìn thành quả lao động mấy tháng trời của mình.
Ông Hà Tấn Đâu chia sẻ: Nhà tôi sạ 650m2 ruộng bằng giống lúa Bắc Thơm do huyện hỗ trợ. Từ lúc gieo cho đến khi gặt đều được cán bộ hướng dẫn quy trình kỹ thuật, khi cây lúa non cho tới khi lúa lên đòng, trổ bông... không có biểu hiện gì bất thường, đến lúc trổ bông nhìn cũng rất đẹp, bông lúa đều tăm tắp, bông dài, nhiều chẽ, tưởng đợt này trúng mùa, nhưng ai ngờ, tới giai đoạn đóng hạt, các bông lúa cứ lép kẹp, đứng trơ ra như trổ cờ. Toàn bộ diện tích ruộng này mà tôi chỉ thu được có 3 bao lúa lưng, không thể xay gạo ăn được nên tôi đem phơi khô để vài hôm nữa nghiền cho bò, heo ăn thôi.
Một số chân ruộng không bị mất trắng hoàn toàn thì năng suất cũng bị giảm sút nghiêm trọng, chỉ bằng 1/3 -1/2 so với các vụ trước. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy đưa ra nhận định nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt khiến toàn bộ lúa đông xuân trên địa bàn xã Sa Nghĩa bị lép hạt.
Chị Tạ Thị Diệu – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho rằng, người dân xã Sa Nghĩa sạ giống lúa HT1 là chủ yếu, năm nay huyện mới hỗ trợ trồng thí điểm 3,5ha lúa Bắc Thơm. Việc các giống lúa bị lép hạt, bước đầu chúng tôi xác định là hiện tượng lem lép hạt xanh và lem lép hạt trắng. Nguyên nhân là do thời điểm khi lúa đang đứng cái làm đòng thì gặp thời tiết bất thường, ngày nóng đêm lạnh, cây lúa không thích nghi kịp nên đã ảnh hưởng tới sự phát triển. Mặt khác, vào giai đoạn lúa trổ bông lại gặp nhiều trận mưa dông lớn khiến cây lúa không thể thụ phấn, phơi màu được. Nhiều diện tích lúa bị đạo ôn lá, người dân phun thuốc trừ bệnh không triệt để đến khi lúa trổ bị đạo ôn cổ bông...
Các cánh đồng của xã Sa Nghĩa là vùng nằm ở cuối nguồn nước nên hằng năm thường bị hạn vào cuối vụ, đặc biệt, vụ đông xuân năm ngoái nhiều diện tích lúa gieo sạ muộn đã bị chết cháy. Chính vì vậy, vụ lúa này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy đã xây dựng lịch thời vụ sớm hơn một chút nhằm tránh hạn. Tuy nhiên, chính quyền xã và người dân vẫn lo lắng nên đã đẩy lịch gieo sạ lên sớm hơn nữa, song năm nay thời tiết lại lạnh muộn khiến cây lúa khi làm đòng, trổ bông gặp đúng lúc mưa lạnh nên không thụ phấn, kết hạt được; sâu bệnh phát triển mạnh làm cho vụ lúa chính bị mất mùa.
Đa số các hộ dân trên địa bàn xã Sa Nghĩa chỉ có từ 1 -2 sào lúa ruộng, mỗi năm 2 vụ lúa đủ để đảm bảo lương thực cho các gia đình suốt năm, nhưng nay bị mất trắng khiến nhiều hộ không khỏi thấp thỏm lo lắng. Đời sống của người nông dân trên địa bàn xã chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Hương Nga