Xã Đăk Nhoong: Phát huy lợi thế đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc
Tận dụng thế mạnh về diện tích đất đai rộng lớn, nguồn lao động dồi dào, những năm qua, xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) đã tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi gia đình và địa phương.
Đăk Nhoong là xã biên giới, kinh tế chủ yếu phát triển theo hướng sản xuất nông, lâm nghiệp mà trọng tâm là trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, chăn nuôi đại gia súc được coi là thế mạnh của xã.
Với lợi thế về đất rừng, rẫy rộng lớn, khí hậu phù hợp, chăn nuôi trâu, bò lại là nghề truyền thống gắn bó lâu đời với người dân nên những năm gần đây, chính quyền xã Đăk Nhoong đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hoá. Hiện tổng đàn trâu, bò trên địa bàn xã có khoảng 1.600 con; trong đó, đàn bò khoảng 850 con, đàn trâu khoảng 750 con.
Hầu hết các gia đình trên địa bàn xã đều nuôi trâu bò, nhà ít thì 2- 3 con, nhà nhiều tới hàng chục con. Mỗi buổi sáng, người dân lùa trâu bò ra bãi cỏ, lên trên vườn chăn thả, buổi chiều lại lùa về chuồng. Mấy năm gầy đây, hệ thống chuồng trại của các gia đình đều được làm rất chắc chắn để bảo vệ đàn gia súc tốt hơn.
Ông A Nang - Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong cho biết: Trước đây, việc chăn nuôi trâu bò của nông dân hầu như chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ để lấy sức kéo, tiêu thụ trong địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước nhu cầu của thị trường về nguồn cung trâu, bò thịt ngày càng cao, giá trị của đàn trâu, bò được nâng lên, nông dân trên địa bàn từng bước chú trọng đầu tư mở rộng đàn cả về số lượng và chất lượng.
Để phát triển đàn trâu, bò, xã cử cán bộ đến từng gia đình vận động bà con chuyển đổi từ chăn thả tự do sang bán chăn thả cho phù hợp với điều kiện sản xuất, tức là chủ động chăn thả đàn gia súc trên những bãi cỏ lớn, nơi có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào; áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trâu, bò nhằm đạt hiệu quả cao.
Đồng thời, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Thú y huyện hướng dẫn người dân lựa chọn giống có chất lượng tốt; hỗ trợ phòng chống dịch bệnh để duy trì ổn định và bảo vệ đàn vật nuôi hiệu quả. Nhờ đó, phong trào nuôi trâu, bò trên địa bàn xã ngày càng phát triển mạnh.
Việc phát triển chăn nuôi trâu, bò ngày càng trở thành một trong những lĩnh vực chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp của người dân xã Đăk Nhoong. Với giá trị kinh tế cao, bình quân 20 - 25 triệu đồng một con trâu, 13 – 15 triệu đồng một con bò giúp mang lại thu nhập cao cho nông dân, mở hướng thoát nghèo cho nhiều gia đình trên địa bàn.
Ông A Nang chia sẻ: Bản thân mình nhận thấy chăn nuôi trâu bò mang lại hiệu quả kinh tế cao; ở đây đất ven suối, ven rừng rộng rãi, mình chịu khó chăn thả; tận dụng thêm mì, bắp do mình làm ra để nuôi chứ không phải bỏ đồng tiền nào mua thức ăn. Vả lại, nuôi trâu, bò khá nhàn, người già, trẻ em đều có thể tham gia, vì vậy, tính ra rất lời.
“Ban đầu, nhà tôi cũng chỉ nuôi 2 con bò mẹ, sau đó bê con sinh ra, mình không bán, cứ thế đàn bò tăng lên rất nhanh, có lúc lên tới gần 20 con, lúc nào làm việc gì cần nhiều tiền mới bán. Chẳng hạn như năm ngoái làm nhà, tôi bán một lúc hơn chục con, mỗi con có giá 12 – 15 triệu đồng, gần đủ làm cái nhà.” - ông A Nang kể.
|
Hay như gia đình A Chung (làng Đăk Ung), nhà anh có đàn trâu nhiều nhất làng với 10 con, trong đó có 3 con trâu sinh sản. A Chung thật lòng: Nuôi trâu, bò là cách tiết kiệm tốt nhất, đến lúc làm việc gì lớn thì chỉ cần bán một, hai con trâu hoặc bò là giải quyết được. Nhà nông, nếu cứ trông chờ vào hạt lúa, rẫy mì thì khéo lắm chỉ đủ ăn qua ngày, chỉ có chăn nuôi trâu, bò mới làm được nhà, mua được xe máy, mua xe công nông, nuôi con ăn học thôi...
Có thể nói, với việc phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hoá không chỉ mở ra hướng thoát nghèo cho người dân trên địa bàn xã, mà còn là cơ hội để các gia đình làm giàu, qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Hiện nay, mặc dù giá trâu, bò trên thị trường có sụt giảm, nhưng với cách chăn nuôi theo hình thức tự tạo giống, tận dụng thức ăn từ tự nhiên và phụ phẩm trong nông nghiệp như của người dân Đăk Nhoong thì chăn nuôi trâu, bò vẫn cho hiệu quả kinh tế cao.
Thiên Hương