Vững bước đi lên
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng (giai đoạn 2016-2020) 9% của tỉnh là khá cao. Nhưng chính áp lực tạo ra động lực, với nhiều nỗ lực, năm 2017, tỉnh ta đạt tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn 12.302 tỷ đồng, tăng 9,01% so với cùng kỳ năm trước và đạt kế hoạch đề ra. Lần đầu tiên tỉnh hoàn thành vượt mức 14/14 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và môi trường.
Có thể thấy, kinh tế tỉnh năm 2017 là bức tranh sáng nhất so với các năm gần đây. Trong 14 chỉ tiêu đề ra, có những chỉ tiêu về kinh tế cán mốc quan trọng như cơ cấu kinh tế tăng tưởng theo hướng hợp lý: khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 5,64%; công nghiệp - xây dựng tăng 13,69%; thương mại-dịch vụ tăng 7,24%. Diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ đông xuân 2016-2017 đạt 11.145ha, vượt 2,8% so với kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 2.257 tỷ đồng, đạt 122,13% so dự toán. Kim ngạch xuất khẩu đạt 135 triệu USD, vượt 68,75% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người 34,77 triệu đồng/năm.
Hầu hết các hoạt động kinh tế đều có những tín hiệu tích cực. Về sản xuất nông nghiệp, thời tiết thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng. Đến nay, diện tích cao su trên 74.750ha (trong đó cao su tiểu điền 29.381ha); cà phê 17.952ha; sâm Ngọc Linh 325,86 ha; rau, hoa, quả xứ lạnh khoảng 80ha. Một số loại cây dược liệu như hồng đẳng sâm, đương quy… phát triển tốt.
Sản xuất công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ sở sản xuất hoạt động tương đối ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13% so với cùng kỳ và đạt 102,9% so với kế hoạch. Các ngành công nghiệp có lợi thế được chú trọng phát triển. Hoạt động thương mại ổn định, hàng hóa dồi dào, phong phú về mẫu mã, chủng loại, hàng nội địa chiếm ưu thế trên thị trường.
|
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2017” và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được thực hiện; chỉ số giá tiêu dùng ổn định.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như cao su thô, cà phê nhân, bàn ghế các loại, tinh bột sắn… được xuất khẩu qua thị trường các nước Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia...
Việc phát triển du lịch tại các khu du lịch Măng Đen, cột mốc 3 biên, cửa khẩu quốc tế Bờ Y được khai thác tích cực.
Tín dụng có tốc độ tăng trưởng tốt, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định. Các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn chấp hành đúng các quy định về mức lãi suất tối đa theo quy định. Các chính sách tín dụng đối với người nghèo, phục vụ phát triển nông thôn, tín dụng đối với doanh nghiệp... được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tác động tích cực đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân.
Về phát triển doanh nghiệp, hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 2.593 doanh nghiệp đăng ký, trong đó thành lập mới từ đầu năm 2017 đến 31/10/2017 là 213 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 1.265 tỷ đồng.
|
Gần đây, nhiều doanh nghiệp có xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen được triển khai đầu tư quy mô 175ha.
Công tác quảng bá thông tin, xúc tiến đầu tư được đổi mới; hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch có nhiều khởi sắc. Tỉnh đã thành lập Tổ hỗ trợ thủ tục đầu tư, thiết lập và đưa vào vận hành hệ thống “Tiếp nhận, phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; triển khai thực hiện mô hình Quán cà phê “khơi nguồn khởi nghiệp”... Qua đó, tỉnh đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên địa bàn.
Trong năm 2017, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 40 dự án với tổng vốn đăng ký trên 919,15 tỷ đồng; chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ cho nhà đầu tư sớm hoàn tất thủ tục để triển khai dự án...
Năm 2018, dự báo kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát sẽ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và xuất khẩu; môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện.
Từ điều kiện đó, tỉnh phấn đấu và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 9% với cơ cấu kinh tế hợp lý; thực hiện triệt để các giải pháp về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việc ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến là điều kiện để tỉnh hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp bằng những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; giảm sự thất thoát lãng phí trong sử dụng vốn, giải quyết về nợ đọng trong xây dựng cơ bản; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; tăng cường thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, đảm bảo nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, đầu tư vào ba vùng kinh tế động lực; đảm bảo an sinh xã hội, nhất là tập trung cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Dương Lê