Từng bước đưa quản lý chất lượng nông sản đi vào nề nếp
Trước yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý nhà nước, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đang tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao để từng bước đưa công tác quản lý chất lượng nông sản đi vào nề nếp.
Theo ông Huỳnh Văn Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, để từng bước đưa công tác quản lý chất lượng nông sản đi vào nề nếp, hàng năm, Chi cục tổ chức tuyên truyền các nội dung, quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản; mở nhiều lớp tập huấn “Quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý cho các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ” cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ở cơ sở.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm cũng được Chi cục coi trọng. Không tính các năm trước, riêng năm 2016, Chi cục mở 6 cuộc kiểm tra 185 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông sản.
Thông qua các đợt kiểm tra này, Chi cục đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất để giúp các cơ sở biết được mình thuộc loại nào; đồng thời xử phạt các cơ sở vi phạm các quy định của Nhà nước.
|
Đối với việc kiểm tra chuyên ngành đột xuất, trong năm, Chi cục lấy 13 mẫu rau, 2 mẫu thịt heo, 5 mẫu cá và 4 mẫu thức ăn thủy sản. Thực tế kiểm tra cho thấy, đối với mẫu rau, Chi cục không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm hữu cơ Fenvalerale, Deltamethrin, Chlorpyrifos, Malathion.
Chi cục cũng không phát hiện hàn the trong 11 mẫu chả; không phát hiện Salbutamol, Clenbuterol trong 2 mẫu thịt; không phát hiện hoặc có phát hiện hàm lượng Pb, Hg, Cd trong các mẫu cá nhưng hàm lượng nằm trong giới hạn cho phép; không phát hiện Clenbuterol, Salbutamol đối với các mẫu thức ăn thủy sản.
Tuy nhiên, Chi cục phát hiện chất Natri Benzoat hàm lượng vượt quá mức cho phép trong mẫu chả tại thành phố Kon Tum và xử lý hành chính theo quy định.
Ngoài các hoạt động trên, trong năm 2016, Chi cục còn xây dựng mô hình sản xuất rau củ như: khoai tây, cà chua, súp lơ, bắp cải an toàn tại thôn Tu Rằng, xã Măng Cành (huyện Kon Plông). Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất được cấp giấy xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt yêu cầu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Đối với đợt kiểm tra Tháng hành động vì an toàn thực phẩm trong năm 2017 được thực hiện từ trung tuần tháng 4 và gần hết tháng 5, Chi cục tập trung vào kiểm tra: giấy đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động; hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, chứng nhận hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở…
Mục tiêu của đợt kiểm tra này nhằm đánh giá thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn, xử lý các cơ sở vi phạm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Để tiếp tục đưa công tác quản lý chất lượng nông sản đi vào nề nếp, trong kế hoạch năm nay, Chi cục đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm nông sản; các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm; xác nhận kiến thức và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi có yêu cầu…
Đào Nguyên