Trừ tạp chất cao, người trồng mỳ bức xúc
Vào vụ thu hoạch, người trồng mỳ trên địa bàn huyện Sa Thầy lại thấp thỏm lo âu trước tình trạng các nhà máy thu mua mỳ trừ tạp chất (bằng cảm quan) quá cao.
Theo phản ánh của người dân huyện Sa Thầy, mỗi khi cân mỳ bán cho các nhà máy, mỗi xe mỳ thường bị trừ tạp chất lên đến hàng chục phần trăm, khiến người trồng chịu thiệt.
Tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV của Đoàn ĐBQH tỉnh, anh Đồng Đức Khôi, thôn Bình Giang, xã Sa Bình ý kiến, theo nguyên tắc của nhà máy, mỗi khi cân, củ mỳ nhỏ thường bị trừ 6%. Thế nhưng khi người dân bán vào, củ lớn cũng bị trừ 6%, sau đó lại bị trừ thêm tạp chất.
|
“Mỳ nhà tôi đa phần là củ to vẫn bị trừ 13%, có gia đình bị trừ tỷ lệ lên đến 50%. Sau một năm làm, mỗi tấn mỳ chỉ còn 5 tạ, người dân chúng tôi coi như lỗ vốn” - anh Khôi cho biết.
Tương tự, ông Phan Văn Thanh ở thôn 2, xã Sa Bình bức xúc: Thực tế mỳ dính tạp chất không bao nhiêu nhưng các nhà máy mỳ trừ rất cao, có lúc trừ lên 15-16%. Hơn thế, khi mỳ được chở ra, họ chưa cho nhập liền mà cứ giữ trên xe, gây hao hụt của dân.
Từ phản ánh của người dân, phóng viên có tìm hiểu việc thu mua, trừ tạp chất tại các nhà máy mỳ trên địa bàn huyện. Theo đó, mỗi nhà máy có cách trừ tạp chất khác nhau.
Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Vina ở thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn trừ tạp chất từ 6-8% đối với mỳ tại khu vực đồi; còn mỳ tại vùng bán ngập sẽ bị trừ từ 12-25%.
“Dựa trên cái cảm quan chúng tôi sẽ có đánh giá cụ thể để trừ tỷ lệ phần trăm. Mỳ ở vùng bán ngập, đất, cát, bùn bám vào củ rất nhiều nên bị trừ tạp chất cao hơn. Mỳ ở khu vực đồi núi, tạp chất ít hơn nhưng nếu trời mưa, cát, đất bám nhiều thì trừ 8%” - ông Nghiêm Đức Thuần - Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Vina cho biết.
|
Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum có quy định cụ thể cho việc trừ tạp chất, lấy mẫu, xác định hàm lượng tinh bột và trừ độ bột. Sau khi xe hàng đổ xuống, nhân viên công ty cùng khách hàng kiểm tra, đánh giá cảm quan để thống nhất tỉ lệ tạp chất.
Theo đó, công ty trừ tạp chất ban đầu khoảng 6-8%. “Đối với mỳ tại vùng bán ngập, đa số củ nhỏ nên khi đưa vào bóc tách vỏ thường rớt ra ngoài chứ không đưa lên băng chuyền sản xuất. Hơn thế, mỳ ở vùng bán ngập lượng đất, cát bám rất nhiều nên trừ tạp chất cao hơn” - ông Nguyễn Văn Thái - Phó giám đốc Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum cho biết.
Cũng theo ông Thái, khi trừ tạp chất, giữa người dân và công ty cùng thống nhất, kí cam kết rồi mới tiến hành mua bán. Tuy nhiên một số người dân cho rằng, khi đã chở mỳ về công ty, sau khi kì kèo, họ thường đồng ý với việc trừ tạp chất của công ty vì đã tốn công, tốn chi phí chở đến.
Ngay sau khi nghe phản ánh từ cử tri, Sở Công thương đã làm việc với Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum về vấn đề trên.
Theo đó, lãnh đạo Sở Công thương đã yêu cầu các công ty tăng cường công khai, minh bạch trong quá trình thu mua nguyên liệu, đồng thời thường xuyên nhắc nhở nhân viên giao tiếp nhẹ nhàng, tránh tình trạng xung đột với nông dân.
Sở Công thương cũng đã đề nghị các công ty có quy định cụ thể tỷ lệ trừ tạp chất tối đa trong quá trình thu mua, nếu vượt tỷ lệ quy định, công ty cương quyết không thu mua của người dân nhằm giảm các trường hợp cố tình trộn lẫn tạp chất vào xe mỳ.
Sở Công thương cũng gởi thông báo về thời gian tích nước lòng hồ thủy điện Ia Ly và Plei Krông cho các công ty để đơn vị chủ động thông báo, hỗ trợ người dân trong quá trình canh tác và thu hoạch nhằm giảm tình trạng hư hao mỳ, tỷ lệ tạp chất cao.
Bình An