Trồng đương quy ở Mường Hoong, Ngọc Linh
Cùng với sâm dây, sâm Ngọc Linh, thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Ngọc Linh, Mường Hoong (huyện Đăk Glei) đã đầu tư trồng đương quy. Với nhiều ưu điểm như dễ trồng, được giá, thời gian thu hoạch nhanh, đương quy đã giúp nhiều hộ dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập để giảm nghèo.
Ông A Bảy ở thôn Tân Rát (xã Ngọc Linh) nhớ lại, năm 2012, nghe người bà con ở Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) giới thiệu về cây đương quy vừa dễ trồng lại bán được giá nên ông đã lặn lội sang tận nơi xin giống về trồng (trồng bằng củ hoặc hạt giống). Năm đầu tiên, ông trồng được 2 sào trên đất rẫy ở tận đồi núi cao. Chưa đầy năm, cây trồng phát triển, tỏa mùi thơm khắp rẫy, nhiều thương lái đến hỏi mua nhưng ông chưa bán mà để gây giống, mở rộng diện tích.
|
Đến mùa thu hoạch, ông A Bảy cắt bông đương quy về phơi khô lấy hạt để làm giống; đồng thời chiết củ để trồng rải rác ở những khu đất rẫy khác để mở rộng diện tích. Hạt đương quy được gieo xuống đất chưa đầy tháng đã nảy mầm. Do phù hợp với khí hậu vùng đồi núi Ngọc Linh nên cây đương quy phát triển tốt, mặc dù công chăm sóc bỏ ra không nhiều; trong vòng 6 tháng sau khi xuống giống đã có thể cho thu hoạch.
Bằng việc nhân giống như thế, đến nay, ông A Bảy đã phát triển được gần 1ha đương quy xen với cà phê xứ lạnh và sâm dây. Mỗi năm, ông A Bảy thu hoạch được 40kg đương quy. Với giá thị trường thu mua tại chỗ từ 50.000-60.000 đồng/kg, mỗi năm ông A Bảy có thu nhập tăng thêm vài triệu đồng.
|
Ông A Bảy chia sẻ: Đương quy khác với các loại sâm khác là nếu đến kỳ thu hoạch mà không thu sẽ bị rụng lá, thối củ. May mắn là cây trồng thu hoạch đến đâu đều có thương lái thu mua đến đó. Thấy được giá, lại có thể trồng xen khắp rẫy nên bà con mới mở rộng diện tích để tăng thu nhập.
Theo rà soát, thống kê của chính quyền xã Ngọc Linh, mặc dù địa phương chưa có kế hoạch cụ thể về phát triển, mở rộng diện tích đương quy do đầu ra sản phẩm chưa ổn định, nhưng xuất phát từ nhu cầu thu mua của thương lái, đa số các hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Linh đều đã tự chủ động nhân giống trồng, hiện cả xã đã trồng được 45ha. Tuy chưa thể giúp bà con thoát được nghèo (do diện tích mỗi hộ gia đình trồng ít, chủ yếu là trồng xen) nhưng đã giúp tăng thêm thu nhập hàng năm, góp phần giải quyết khó khăn của người dân địa phương.
Có khí hậu đặc trưng giống như Ngọc Linh, những năm qua, xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) cũng phát triển mạnh diện tích cây đương quy.
Ông A Ban – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Hoong chia sẻ: Đương quy cũng là một loại dược liệu quý. Trước đây do giá trị kinh tế còn thấp, người thu mua ít cho nên bà con trồng cũng ít. Trong những năm gần đây, giá của đương quy cao, có nhiều người thu mua hơn nên bà con đã chú trọng nhân rộng diện tích hơn.
Ông A Ban nhớ lại, cây đương quy bắt đầu được trồng tại vùng Mường Hoong từ năm 1988, do Liên hiệp Xí nghiệp Nông lâm công nghiệp huyện Đăk Glei mang giống vào thử nghiệm. Năm 1991, sau khi xí nghiệp giải thể, bà con cũng không mặn mà trồng tiếp mà chỉ để lại một ít dùng (nấu nước uống). Đến năm 2000, thấy thị trường nhu cầu thu mua cây đương quy trở lại nên một số hộ dân trồng lại loại cây này. Đến năm 2006, diện tích đương quy ở Mường Hoong bắt đầu phát triển mạnh, đến nay, xã có khoảng 38ha.
Theo anh Thắng - thương lái chuyên thu gom đương quy trên địa bàn xã Mường Hoong cho biết: Nếu năm nào có nhiều mối hàng đặt thì cao nhất cũng thu mua được khoảng hơn 40 tấn đương quy, chủ yếu xuất ra thị trường miền Bắc. Trước đây, đương quy rất rẻ, mấy năm nay giá tăng lên 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Để giúp bà con có thêm thu nhập, đồng thời bảo tồn cây dược liệu quý, xã Mường Hoong có kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ vận động nhân dân phát triển thêm từ 10 - 15ha đương quy.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đăk Glei cho biết: Cây đương quy đang được người dân trên địa bàn huyện trồng tự phát tại 2 xã Ngọc Linh, Mường Hoong. Đây là loại cây dược liệu chịu lạnh, dễ trồng; có thể thu, bán toàn bộ cả cây và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ nhu cầu thị trường, Đăk Glei đã có chủ trương hướng dẫn bà con chuyển đổi trồng các cây dược liệu, trong đó có cây đương quy đối với các xã phía bắc như Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đăk Choong, Đăk Man, Đăk Blô.
Chia sẻ về hỗ trợ đầu ra đối với đương quy, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, do diện tích cây trồng quy mô còn ít nên sau khi có quy hoạch vùng cây dược liệu và sản lượng cây trồng tăng, đơn vị sẽ tiến hành nghiên cứu thị trường, tiếp cận doanh nghiệp để tìm nguồn cung ổn định cho đầu ra sản phẩm.
Sông Côn