Trồng cây mì trên đất lúa thiếu nước ở huyện Đăk Hà: Đứng trước nguy cơ “phá sản”
Những ngày này, bà con nông dân huyện Đăk Hà đứng ngồi không yên trước 90,44ha mì được hỗ trợ từ mô hình tăng năng suất cây trồng của tỉnh có nguy cơ “phá sản” khi tỷ lệ cây mì chết hơn nửa diện tích, số còn lại sinh trưởng chậm, không đủ lượng tinh bột để thu hoạch. Trong khi vụ mùa năm 2017 sắp đến, bà con muốn phá bỏ diện tích đất đã trồng mì chưa hiệu quả để xuống giống cây mới, nhưng xã thông báo phải chờ đoàn kiểm tra các cấp về nghiệm thu, đánh giá hiện trạng nhằm có cơ sở rút kinh nghiệm…
Người dân điêu đứng
Theo chỉ dẫn của bà con thôn 9, lội qua con suối chính dẫn nước vào cánh đồng sản xuất lớn của thôn, ruộng lúa (cũ) của anh A Loắc có 2.000m2, vụ đông xuân vừa qua, gia đình đã thống nhất tiếp nhận hom mì trồng chuyển đổi trên đất này. Khu vực ruộng của anh được coi là thuận lợi nhất với nguồn nước dồi dào giữa mùa khô, thế nhưng quan sát thật lâu mới phát hiện diện tích cây mì phát triển “khiêm tốn” xen giữa các bụi cỏ gai xanh um. Vài thân cây mì được cho là tốt nhất có chiều cao chừng 30cm.
Anh A Loắc buồn bã nói: Trồng từ tháng 11/2016 đến nay, cây mì chỉ cao chừng này (30 cm - PV). Tôi thấy đất này trồng cây mì không được. Gia đình đang muốn phá bỏ, làm sạch đất trồng mì, để chuẩn bị cày ải cho vụ mùa sắp tới. Thế nhưng, trưởng thôn có nói phải chờ đoàn công tác các cấp về kiểm tra, lập biên bản nghiệm thu trồng cây mì đã hỗ trợ, rồi hủy cam kết không thu lại 50%/tổng sản lượng sau thu hoạch (theo Đề án 1117), do cây trồng không có củ.
|
Biết phóng viên về thôn, ông A Nhên - Trưởng thôn 9 (xã Đăk La) bỏ dở việc thu hoạch lúa cách nhà 4 cây số để gặp. Ông thông tin, tháng 8-10/2016 đoàn công tác có cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, UBND huyện, xã Đăk La xuống vận động bà con chuyển đổi 7ha trồng lúa vụ đông xuân 2015 – 2016 bị thiếu nước sang trồng cây mì vụ đông xuân 2016-2017, theo Đề án 1117. Tại các buổi họp dân ở thôn, cán bộ các cấp đều nêu rõ, hộ đăng ký chuyển đổi cây trồng theo đề án này sẽ được hỗ trợ 100% hom giống mì, 50% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên 1ha đất sản xuất. Sau thu hoạch, bà con nộp lại 50% sản lượng mì thu hoạch để chuyển cho hộ khác có nhu cầu chuyển đổi cây trồng. Phần sản lượng còn lại của bà con, địa phương sẽ làm việc với các nhà máy chế biến mì, giúp bao tiêu sản phẩm kịp thời, tránh bị ép giá. Thời gian trồng cây mì cho thu hoạch 6 tháng, trồng tháng 11/2016 và kết thúc tháng 5/2017.
Ông A Nhên giãi bày: Nghe thế, 200 hộ dân trong thôn rất mừng với chính sách ưu đãi của tỉnh hỗ trợ cây mì giống có năng suất cao, tăng thu nhập và cải thiện đời sống ổn định cho bà con. Nhân dân đăng ký đất chuyển đổi từ trồng lúa thiếu nước sang trồng cây mì, như các thôn khác trong xã Đăk La. Đáng lưu ý, bà con các thôn đều lo lắng, có báo cáo rõ với cán bộ, diện tích đất chuyển đổi trồng cây mì là đất sét pha ít đất thịt, không thể giữ ẩm tốt, nước tưới tiêu nhiều cũng bị úng. Nhân dân đề nghị cán bộ chuyên môn nên kiểm tra đất sản xuất phù hợp không, mặt khác nêu việc chủ động phương án hỗ trợ bà con khi gặp các tình huống xấu sau gieo trồng cây mì thực tế…
Theo ông Nhên, dù bà con có ý kiến như vậy nhưng đến tháng 11/2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh trực tiếp chở hom mì giống và vật tư nông nghiệp xuống giao cho bà con ở 5 thôn trong xã để gieo trồng 22,5ha vụ đông xuân 2016-2017. Sau 2 tháng xuống giống, các hộ thăm ruộng phát hiện diện tích hom mì nảy mầm thiếu đồng đều, thậm chí có nơi hom mì không nảy mầm và thân cây chết khô trên diện rộng.
Chung cảnh ngộ, ông A Ru – Cán bộ MTTQVN xã Đăk Hring là 1 trong 151 hộ ở địa phương hưởng ứng trồng 10,8ha mì chuyển đổi đất, nhưng đến nay diện tích cây sống chỉ có 1,5ha. “Đất trồng chủ yếu đất sét không tiêu nước được, nên trận mưa lớn cuối năm vừa qua đã làm ngập nước gần như 100% diện tích mì đã trồng ở huyện Đăk Hà, trong đó có đất mì của bà con xã Đăk Hring” - ông A Ru than thở.
Theo báo cáo của các xã, đầu năm 2017 đến nay, các đoàn công tác tỉnh, huyện đã về kiểm tra, đánh giá ban đầu ở Đăk La có 20/22,5ha cây mì xuống giống bị chết úng do dư nước, hoặc chết khô do thiếu nước giữ ẩm cho cây; tương tự, xã Đăk Hring có 8/10,8ha bị thiệt hại, Đăk Ui có 5/8,44ha bị thiệt hại... Số diện tích còn lại, cây sống nhưng sinh trưởng kém với chiều cao thân chỉ từ 30 – 40 cm.
Lỗi… ở thời tiết, đất trồng(?!)
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La cho biết, thực hiện Đề án 1117 và kế hoạch chỉ đạo của UBND huyện Đăk Hà, tháng 9/2016 đến nay, địa phương tham gia công tác phối hợp tuyên truyền, vận động hộ dân đăng ký thực hiện chuyển đổi cây trồng. Công tác kiểm định đất trồng có phù hợp với cây mì hay không, UBND xã không biết.
Theo ông Thịnh, thực hiện đề án trên, Sở NN&PTNT là đơn vị chịu trách nhiệm chính và giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp làm việc với dân, đồng thời cấp hom mì giống, vật tư nông nghiệp, theo dõi chăm sóc, thu hoạch mì sau kết thúc vụ đông xuân 2016-2017.
Ông Thịnh cho biết thêm, toàn bộ diện tích và tình hình gieo trồng thử nghiệm cây mì trên diện tích lúa thiếu nước tưới vụ đông xuân trên, địa phương đã báo cáo kịp thời vào các thời điểm cho UBND huyện, đơn vị chức năng tỉnh, nhưng vẫn không giúp cho dân cứu cây mì được. Nguyên nhân là ở các thôn đất sản xuất là đất sét chiếm phần lớn, nên việc tìm kiếm trồng các loại cây thích hợp rất khó. Hai mùa vụ đông xuân trước đó, xã đã chọn trồng thử nghiệm cây bắp đều thất bại, quả thu hoạch không có hạt. Đầu tháng 5 vừa qua, cán bộ xã cũng đi thực tế kiểm tra diện tích mì ở các thôn, nhân dân đã bỏ hoang đối với 2,5ha mì đang còn sống gần 2 tháng nay, nguyên do cây sinh trưởng chậm mỗi bụi mì 4-6 củ, củ rất nhỏ, không đủ lượng tinh bột cho thu hoạch.
Theo báo cáo của UBND huyện với Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về thực hiện Đề án 1117, địa phương có 8 xã thực hiện mô hình chuyển đổi diện tích lúa thiếu nước sang trồng mì vụ đông xuân năm nay với diện tích 90,44/94,84ha chỉ tiêu được giao. Đến tháng 4 vừa qua, các phòng ban chuyên môn huyện kiểm tra thực tế có gần 39ha mì bị chết rải rác ở 8 xã thực hiện đề án; số diện tích còn lại cây sinh trưởng bình thường có chiều cao thân cây trung bình 70 - 100cm.
Tuy nhiên, thực tế các biên bản kiểm tra tại mỗi xã và tư liệu cung cấp của UBND các xã mà phóng viên có được, diện tích cây bị chết là hơn 45ha; diện tích còn lại được kết luận chiều cao thân mì dưới 60cm và rất ít diện tích đạt chiều cao 100cm.
“Qua kiểm tra thực tế, tôi thấy cây mì phát triển rất chậm, các bụi củ ở đất trồng của bà con to bằng 2 ngón tay người lớn ghép lại, không đủ lượng tinh bột cho thu hoạch. Do đó, UBND huyện chưa thể làm việc với các nhà máy chế biến mì để hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nhân dân” - ông Hoàng Nghĩa Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà nói về việc hỗ trợ nhân dân thu mua sản phẩm như Đề án 1117 nêu ra.
Cũng tại buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh tại huyện Đăk Hà, ông Đoàn Năng Rường - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, quá trình thực hiện Đề án 1117 ở địa phương này chưa mang lại kết quả tốt, lỗi chủ yếu do sự biến đổi bất thường của thời tiết. Mặt khác, người dân thiếu sự quan tâm chăm sóc cây mì, từ lúc xuống hom giống đến bỏ bê việc làm cỏ, bỏ phân bón chưa đúng quy trình…
“Đơn vị cấp hỗ trợ hom mì giống KM419, HLS11 và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nhân dân đúng thời gian gieo trồng vụ đông xuân năm nay. Công tác hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, bón phân cho cây trồng theo từng giai đoạn đều có cán bộ trung tâm, xã giám sát. Các diện tích cây mì bị chết úng, chết khô nhiều, hoặc không nảy mầm, sinh trưởng chậm… đều do người dân không tuân thủ đúng các công đoạn trồng, chăm sóc cây. Mặt khác, các diện tích cây chết úng là do biến đổi thất thường của khí hậu, như mưa xuất hiện dày cuối năm 2016, nắng hạn kéo dài đầu năm 2017, nên năng suất và sản lượng thu hoạch mì không đạt như tiêu chí đề ra ban đầu của Đề án 1117…” - ông Rường lý giải.
Trước những báo cáo, ý kiến của các đơn vị chức năng rất khác so với phản ánh thực tế của nhân dân ở nhiều xã, cũng như việc kiểm tra của các thành viên Đoàn giám sát HĐND tỉnh về diện tích cây mì đã trồng, đồng chí Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan các cấp phải khẩn trương xuống các xã, kiểm tra, thống kê tổng hợp và có đánh giá đúng thực chất quá trình thực hiện Đề án 1117 và các văn bản chỉ đạo khác về chuyển đổi cây trồng vụ đông xuân. Trước mắt, các đơn vị sớm có báo cáo tham mưu UBND tỉnh cho ý kiến tiếp tục trồng, hay nhổ bỏ đối với diện tích cây trồng không có khả năng sinh trưởng tốt để bà con yên tâm sản xuất vụ mùa sắp tới.
Bài và ảnh: Mai Trâm