Triển vọng từ phát triển mắc ca ở Đăk Tô
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, huyện Đăk Tô đã xác định phát triển cây mắc ca là một trong những cây trồng sản xuất hàng hóa đi vào chiều sâu, gắn thị trường tiêu thụ.
Đến nay, tổng diện tích cây mắc ca trên địa bàn huyện khoảng 591ha, trong đó có khoảng 232 ha diện tích cây mắc ca liên kết chuỗi giá trị, tập trung vào các dòng mắc ca là QN1, 800, A 38, 816; 842, 246. Như vậy theo Đề án tổng thể phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển 500ha cây mắc ca thì đến nay đã vượt mục tiêu đề ra (đạt 118,2% mục tiêu). Đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2022, diện tích trồng mới mắc ca trên địa bàn huyện khoảng 350 ha, đạt 103,1% kế hoạch đề ra, diện tích chủ yếu trồng xen ghép trong vườn cà phê vối và trồng trong vườn nhà.
|
Diện tích cây mắc ca phát triển đều khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Tô. Trong số đó, xã Kon Đào phát triển diện tích cây mắc ca nhiều nhất, đến nay đã đạt 105,25ha. Riêng năm 2022, trên địa bàn xã trồng mới 33,73 ha (trong đó trồng thuần 17,21ha, trồng xen 16,52ha) và trong đó có 30 hộ tham gia dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây mắc ca tập trung với diện tích 24,97ha.
Ông Nguyễn Thành Dược - Phó Chủ tịch UBND xã Kon Đào cho biết: Trên địa bàn xã có một số hộ dân tiên phong trồng cây mắc ca gần chục năm nay và đã mang lại nguồn thu. Nhận thấy hiệu quả từ cây mắc ca vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, không đòi hỏi cao về kỹ thuật, vừa được hỗ trợ nguồn giống, bao tiêu sản phẩm nếu liên kết nên người dân phát triển mạnh trong những năm gần đây. Trong năm 2023, xã phấn đấu trồng mới 70ha và để đạt mục tiêu đề ra, xã đang tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng thuần và trồng xen với các cây công nghiệp, nông nghiệp khác.
Ông Nguyễn Quang Quyết ở thôn 3, xã Kon Đào là một trong những hộ đi tiên phong trồng cây mắc ca xen trong 10ha cà phê từ gần chục năm nay. Đến nay, toàn bộ diện tích mắc ca phát triển tốt, diện tích cà phê cũng cho năng suất như trước đây. Theo ông Quyết, sau 3 năm trồng thì cây mắc ca sẽ cho quả. Dù trồng xen canh với cà phê thì năng suất quả mắc ca sẽ thấp hơn trồng thuần, tuy nhiên, trên cùng một đơn vị diện tích có cùng 2 loại cây trồng mang lại nguồn thu sẽ giúp gia đình ông khấm khá hơn. Đặc biệt là với diện tích liên kết với Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum thì bản thân ông cũng như người dân trên địa bàn xã không chỉ được cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật mà còn được cam kết bao tiêu sản phẩm nên rất yên tâm.
|
Để phát triển được diện tích cây mắc ca đảm bảo theo kế hoạch, huyện Đăk Tô đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển tại Quyết định số 265/QĐ-UBND ngày 2/6/2021. Đồng thời huyện ưu tiên lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và bố trí ngân sách huyện hỗ trợ phát triển cây mắc ca trên địa bàn. Cùng với các chính sách hỗ trợ, trên địa bàn huyện còn có 1 cơ sở ươm cây giống mắc ca (của Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum) được Hiệp Hội mắc ca Viêt Nam thông báo đạt chuẩn chất lượng. Công ty này cũng cam kết khi người dân mua giống ngoài việc được bao tiêu đầu ra, nếu sau 5 năm cây không có quả, đơn vị sẽ đền gấp 12 lần giá trị cây giống.
Đặc biệt, để hỗ trợ cho người dân trồng mắc ca, huyện đã xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm mắc ca. Cụ thể, năm 2020, từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ trồng mới 36ha cây mắc ca (trồng thuần); năm 2021 từ nguồn vốn ngân sách huyện đã hỗ trợ nông dân trên địa bàn 4 xã Diên Bình, Kon Đào, Pô Kô và Đăk Rơ Nga trồng mới 56,9ha (trồng thuần 40,5ha; trồng xen 16,4ha), cho các hộ dân tham gia dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm mắc ca với Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum. Đến nay, toàn bộ diện tích mắc ca của mô hình đều sinh trưởng phát triển tốt.
Theo ông Đặng Quang Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô, trong năm 2023, huyện có kế hoạch trồng mới 361ha mắc ca. Hiện nay, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân phát triển cây mắc ca. Với việc huyện ưu tiên lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí ngân sách huyện hỗ trợ và từ thực tế của những hộ trồng cây mắc ca đã cho thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, người dân trên địa bàn huyện rất tích cực hưởng ứng, mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
Phúc Nguyên