Trăn trở Ia H’Drai
Trong những lần trao đổi, chuyện trò, Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai Nguyễn Văn Lộc thường bộc bạch những trăn trở của anh về đảm bảo an ninh lương thực cho người dân nơi vùng biên còn thiếu thốn trăm bề này. Anh nói: Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là phá thế độc canh cây cao su để đảm bảo phát triển bền vững…
Vì đã biết những trăn trở ấy của anh nên tôi cũng chẳng ngạc nhiên khi trong những chuyến đưa tôi đi xuống cơ sở, trong khi tôi thích thú trầm trồ trước những cánh rừng cao su bạt ngàn, tít tắp thì anh lại đặc biệt quan tâm đến những diện tích đất nơi bờ lô, hợp thủy.
“Muốn người dân thoát nghèo, trước hết phải lo trồng lúa, bắp, mì cho người dân no bụng đã. Trông mong hết vào diện tích đất này đấy”- anh bảo.
Như chuyến đi này chẳng hạn, chỉ cần thấy bóng người dân trồng mì, trồng bắp trên những rẻo đất bé tý, y như rằng anh kêu cậu lái xe dừng lại, lội ào xuống hỏi chuyện về diện tích, mùa vụ, năng suất...
|
Anh Lê Ngọc Muôn (thôn 3, xã Ia Đal) vừa kéo tấm bạt che sân bắp bởi trời đổ mưa bất chợt vừa kể: Hai vợ chồng khai hoang được mấy sào đất bờ lô cao su trồng được ít bắp, nhưng do thiếu điều kiện chăm sóc nên năng suất không cao. Dù vậy, cũng đỡ hơn nhiều gia đình khác, họ không còn đất để khai hoang đâu.
Cũng theo anh Muôn, đất trồng lúa nước “hiếm” hơn. Xã lại chưa có công trình thủy lợi nào, chủ yếu dựa vào nước trời nên không chủ động được mùa vụ và mất mùa do hạn hán. Mặt khác, bà con chủ yếu sử dụng giống lúa cũ và giống khác chưa rõ nguồn gốc, chưa được nghiên cứu trồng thử nghiệm, trong khi công tác chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chưa được triển khai nên năng suất còn thấp.
Nghĩ cũng lạ, đất rừng Ia H’Drai mênh mông là thế, nhưng để kiếm được miếng đất gieo vạt lúa, thả hom mì cũng chẳng dễ, bởi đây thật sự là “vương quốc của cao su”.
Theo số liệu mà anh Lộc cung cấp tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa với huyện vào đầu tháng 9/2016, tổng diện gieo trồng trên địa bàn huyện là 26.687,07ha, trong đó nhóm cây lương thực (lúa, bắp, mì) chỉ chiếm 2,27%; nhóm cây thực phẩm (rau, đậu đỗ các loại và bí đỏ) càng khiêm tốn hơn, chỉ 0,04%; hơn 97% còn lại là cây công nghiệp, riêng cây cao su chiếm 92,63% tổng diện tích cây trồng toàn huyện với 24.719,74ha.
|
Do phần lớn diện tích đất có khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp đã trồng cao su, nên quỹ đất phát triển các loại cây trồng khác rất hạn chế. Toàn huyện hiện chỉ có khoảng 28,1ha lúa nước, hơn 168ha lúa rẫy, 52ha bắp. Chỉ có diện tích mì là còn kha khá một chút, đạt khoảng 1.389,36ha, được bà con trồng tận dụng ở các hợp thủy, bờ lô cao su và trồng xen trong vườn cây cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản (3 năm đầu), nhưng số diện tích nãy sẽ giảm theo từng năm, do cao su khép tán.
Nhưng cũng như lúa, bắp, việc sử dụng giống mới, đầu tư phân bón và các kỹ thuật canh tác tiến bộ khác cho cây mì còn rất hạn chế, thiếu bền vững nên năng suất thấp (120 - 150 tạ/ha).
Từ thực tế trên, chuyện phá thế độc canh cây cao su, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ ở Ia H’Drai đang được khởi động với việc xây dựng Kế hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2016-2021.
“Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ia H’Drai xác định trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai các mô hình khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là đưa các giống cây trồng mới như hồ tiêu, cà phê, mì... vào sản xuất để từng bước phá thế độc canh cây cao su trên địa bàn”- Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lộc khẳng định.
Mục tiêu của Kế hoạch là giữ ổn định diện tích cây công nghiệp, tăng diện tích cây trồng hàng năm, nhất là diện tích cây lương thực, phấn đấu đến năm 2021, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện đạt hơn 30.000ha (4.300ha cây trồng hàng năm và 25.719ha cây trồng lâu năm). Trong đó, có 100ha lúa nước (tăng 71,9ha so với năm 2016), 3.300ha mì (tăng 1.910,64ha), 250ha bắp (tăng 187,6ha), 120ha hồ tiêu (tăng 103,95ha), 100ha cà phê vối (tăng 80,3ha), 500ha điều (tăng 277,05ha)...
Nó là vậy, nhưng điều thiếu hụt nhất của Ia H’Drai, mà cũng là điều khiến lãnh đạo huyện trăn trở nhất là chưa có quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; chưa tổ chức đánh giá, phân loại đất; chưa thực hiện khảo sát để lựa chọn giống cây trồng thích hợp với điều kiện sinh thái của vùng. Chính vì vậy, đã ảnh hưởng lớn đến khâu định hướng sản xuất và đầu tư phát triển ngành nông nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, tôi nhớ lại câu chuyện mà tôi được Chánh văn phòng HĐND-UBND Nguyễn Tiến Dũng kể trong bữa trưa ăn vội: Vào khoảng cuối năm 2015, huyện có kế hoạch đưa “anh” mía đường lên trồng thử nghiệm. Doanh nghiệp đồng ý, ai cũng nghĩ chuyện này thế là xong, bởi “đất này trồng mía chắc là được”. Thế nhưng khi doanh nghiệp mời các nhà khoa học vào đánh giá chất đất xem có phù hợp với cây mía hay không thì nhận được lời khuyên quên ngay chuyện trồng mía ở đây đi, vì chất đất không phù hợp. Thế là doanh nghiệp mía đường đành lặng lẽ rút.
Đằng sau câu chuyện ấy có một sự thật đáng suy ngẫm: Để lựa chọn được một giống cây trồng khác có tiềm năng phát triển ở “vương quốc cao su” này là chuyện không hề dễ dàng.
Vì vậy cũng dễ hiểu khi anh Lộc tỏ ra thận trọng: Đây là một chặng đường dài, chúng tôi sẽ không vội vàng trong việc này. Để tạo quỹ đất, huyện sẽ làm việc với tỉnh và ngành chức năng bàn biện pháp thu hồi phần diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng vào mục đích trồng cao su nhưng kém hiệu quả của các doanh nghiệp để trồng các loại cây khác thích hợp. Đồng thời xúc tiến việc xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn huyện; hình thành Vườn thực nghiệm giống cây trồng để xác định cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái của khu vực.
“Quan trọng hơn, chúng tôi sẽ không tự “mò mẫm” tìm đường mà sẽ mời các nhà khoa học về khảo sát, nghiên cứu và phân loại đất đai cho từng tiểu vùng, đồng thời xác định được danh sách cây trồng phù hợp để đưa vào sản xuất, vừa đáp ứng được các yêu cầu tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, vừa phù hợp với trình độ canh tác của bà con nông dân cũng như phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương” - anh Lộc cho biết.
Thành Hưng