Tín dụng ngân hàng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Kon Plông
Để đón đầu làn sóng đầu tư của doanh nghiệp, Kon Plông đang cố gắng tạo quỹ đất sạch, mở cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Không chỉ địa phương, mà các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng chớp thời cơ đẩy vốn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao...
Đồng hành với địa phương trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Agribank Kon Tum đã tiếp cận 2 dự án đầu tư vào chăn nuôi, trồng rau, ngũ cốc tại Măng Đen và đang nỗ lực tiếp vốn để lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn phát triển.
|
Năm 2016, Agribank Kon Tum đã giải ngân gói tín dụng 86/150 tỷ đồng cho Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen để mua dê giống và đầu tư đồng cỏ. Dự án chăn nuôi này bước đầu đang mang lại những tín hiệu khả quan cho nền nông nghiệp địa phương.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4/2017, Agribank Kon Tum ký kết tài trợ vốn 1.000 tỷ đồng cho Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi dê sữa; xây dựng nhà máy chế biến sữa dê và các sản phẩm từ sữa dê…
Mới đây, Agribank Kon Tum đã cho ông Nguyễn Quang Đông - chủ trang trại được cấp giấy chứng nhận Trang trại đầu tiên ở huyện Kon Plông vay 3 tỷ đồng phát triển và mở rộng sản xuất.
|
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Plông bước đầu cũng tạo điều kiện cho 9 hộ gia đình ở vùng sản xuất rau hoa xứ lạnh vay 340 triệu đồng để đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình.
Ngân hàng Liên Việt Post Bank Kon Tum cũng đang tiếp cận các dự án trồng cây mắc ca ở Kon Plông…
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Phước - Phó Giám đốc Agribank Kon Tum, hoạt động tín dụng dành cho du lịch xanh phát triển vùng rau, hoa, quả xứ lạnh; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng gặp không ít khó khăn. Việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một lĩnh vực mới, chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn rủi ro khi triển khai. Các ngân hàng còn khó khăn trong việc xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định 738/QĐ-KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cũng chưa có đơn vị đứng ra xác nhận dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có chính sách hỗ trợ; chưa mở rộng các loại tài sản được thế chấp vay vốn bao gồm tài sản hình thành trên đất trang trại, nhà kính… Trong khi, nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình muốn được vay vốn và ngân hàng cũng luôn sẵn sàng, nhưng đây là “điểm nghẽn”. Để giải quyết “điểm nghẽn” này, Agribank Kon Tum đề nghị được tham gia vào quá trình lập phương án, dự án đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thế nhưng, là chủ trang trại, ông Nguyễn Quang Đông cho rằng điều doanh nghiệp phải tính toán đầu tiên khi rót vốn vào lĩnh vực này không phải là vốn rẻ hay cơ chế ưu đãi đặc biệt, mà là thị trường tiêu thụ. Vốn là điều kiện quan trọng, song không có ý nghĩa quyết định với các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Nếu có vốn mà không định hình được sản phẩm, không định hướng được thị trường thì nguy cơ thất bại là rất lớn. Vì vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông).
Dương Lê